Phát triển thương hiệu địa phương - xây dựng hình ảnh và bản sắc

Ngày 20/11, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách 'Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc' do TS Nguyễn Thành Trung biên soạn.

 Sách "Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc" do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn.

Sách "Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc" do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn.

Thương hiệu địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị nhận thức về con người, sản phẩm, văn hóa, môi trường kinh doanh và du lịch của địa phương, tỉnh, thành phố, quốc gia hay vùng lãnh thổ. Thương hiệu địa phương không chỉ tạo ra hình ảnh tích cực, sự khác biệt mà còn giúp phát triển kinh tế bền vững, thu hút đầu tư và tăng cường giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử. Theo nhận định của TS Nguyễn Thành Trung, bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh hiện nay, các địa phương phải tìm cách tạo dựng sự khác biệt và thu hút nhân lực, du khách, đầu tư và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Để xây dựng thương hiệu địa phương hiệu quả, mỗi khu vực cần phát triển một chiến lược mạnh mẽ, xác định rõ các giá trị độc đáo, đặc trưng và không trùng lặp với các nơi khác. Các yếu tố nền tảng cần chú trọng bao gồm tầm nhìn chiến lược, chính sách minh bạch và hình ảnh địa phương nhất quán. Cuốn sách Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc đem tới nhiều kiến giải cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý và bạn đọc quan tâm. Sách dày 265 trang, chia thành 6 chương, làm rõ các khía cạnh về hình ảnh và bản sắc của địa phương cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu.

Cuốn sách bắt đầu với các thách thức xây dựng thương hiệu địa phương trong bối cảnh gia nhập thị trường toàn cầu, địa lý, kinh tế, chính trị và nâng cao đời sống dân cư. Chương tiếp theo cung cấp các kinh nghiệm từ những địa phương thành công trong xây dựng thương hiệu như Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Quảng Ninh và Đà Nẵng (Việt Nam)... Sách cũng khảo sát lịch sử xây dựng thương hiệu địa phương, xác định hình ảnh và bản sắc địa phương, và mô hình xây dựng thương hiệu, với các yếu tố ảnh hưởng và chiến lược cụ thể. Một chương đặc biệt về các chủ thể tham gia và quá trình xây dựng thương hiệu địa phương sẽ giúp làm rõ tổ chức triển khai và các chính sách gắn với giải pháp thực tiễn.

"Mỗi địa phương cần trả lời 3 câu hỏi quan trọng: hình ảnh của mình trong mắt các đối tượng mục tiêu, cách chính quyền xây dựng thương hiệu và ai là người thực hiện công việc đó. Hình ảnh thương hiệu phải phản ánh đúng kỳ vọng và nguyện vọng của người dân địa phương, với tầm nhìn dài hạn (50 - 100 năm). Mục tiêu cuối cùng của xây dựng thương hiệu địa phương là đạt được lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho cả cộng đồng", TS Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.

Theo sggp.org.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-trien-thuong-hieu-dia-phuong-xay-dung-hinh-anh-va-ban-sac-post393643.html
Zalo