Phát triển thị trường vốn, cải thiện tiếp cận đất đai

Chia sẻ với PV Tiền Phong, PGS.TS Phạm Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, số liệu từ báo cáo tại cuộc họp của Ban Chiến lược và Chính sách Trung ương đầu tháng 3 vừa qua cho thấy: Một nghịch lí là khoảng 85% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) nhưng lại chỉ đóng góp trên 50% GDP và khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo PGS. TS Kim Ngọc, liên quan đến thúc đẩy kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian tới, ưu tiên số 1 chính là cải thiện về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân. Thực tế cho thấy, cho đến nay, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng khu vực KTTN, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), gặp quá nhiều rào cản trong việc tiếp cận vốn vay.

Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số về quản lí nhà nước đối với doanh nghiệp, cần xây dựng chính sách và cơ chế bảo lãnh tín dụng cởi mở, thông thoáng hơn, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, các kênh tiếp cận tài chính đa dạng hơn cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trong ngành sản xuất - chế biến có nhu cầu vốn lớn.

PGS.TS Phạm Thị Kim Ngọc

PGS.TS Phạm Thị Kim Ngọc

Chia sẻ về những giải pháp để thúc đẩy khối kinh tế tư nhân, hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh, theo bà Ngọc, Việt Nam cần chiến lược dài hạn trong cải cách thể chế, phát triển thị trường vốn, nâng cao chất lượng nhân lực và thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Với những chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, góp phần đưa nền kinh tế tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Trong chừng mực nào đó, việc một tỉ trọng nguồn vốn lớn, không muốn nói là quá lớn, trong xã hội đang dồn vào thị trường bất động sản chưa được quản lí tốt khiến cho nguồn vốn dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác bị thu hẹp. Lãi suất vay cao, văn hóa thế chấp bằng bất động sản, khiến cho các doanh nghiệp phi bất động sản, khó tiếp cận vốn.

“Tôi cho rằng cần có một nỗ lực mạnh mẽ, điều tiết lại, thu hẹp một cách hợp lí dòng vốn đổ vào bất động sản, mở rộng quỹ đầu tư mạo hiểm, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phi bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp.... Đặc biệt cần có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”, bà Ngọc đề xuất.

Bà cũng cho rằng, hiện tại, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 60% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (120% GDP), Malaysia (140% GDP). Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, để xây dựng các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, chính phủ nước này đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng các gói tín dụng ưu đãi, đồng thời phát triển mạnh thị trường vốn để giúp doanh nghiệp có thêm kênh huy động tài chính dài hạn.

Việt Nam cũng cần có chính sách tương tự, như mở rộng các quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Cùng với mở rộng cải thiện tiếp cận vốn, cần có cơ chế hỗ trợ về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp vì đây vẫn là vấn đề cực kì nan giải.

“Cần phải đổi mới tư duy và siết chặt kỷ cương về quy hoạch và quản lí quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất kinh doanh, thương mại.

Cần quy định và thực hiện nghiêm quy định về công khai nguồn cung diện tích đất và mặt bằng cho thuê để kinh doanh, thương mại; giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình giao đất, thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất/mặt bằng để giảm tình trạng “xin - cho”; xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành riêng cho SMEs với mức giá thuê đất hợp lí”, PGS TS Kim Ngọc đề xuất.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-trien-thi-truong-von-cai-thien-tiep-can-dat-dai-post1729581.tpo
Zalo