Phát triển thị trường mỹ thuật Việt: Tăng kết nối và minh bạch

Thị trường mỹ thuật Việt Nam đang dần sôi động, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; giá trị các tác phẩm nghệ thuật Việt được nâng lên… Nhà nghiên cứu mỹ thuật BÙI HOÀNG ANH, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View, chia sẻ góc nhìn thực tế cũng như giải pháp phát triển bền vững thị trường mỹ thuật Việt.

- Với thời gian dài quan sát, nghiên cứu, bà nhận định ra sao về sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam?

 Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Khi đời sống xã hội ngày càng cao, nhu cầu thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sẽ ngày càng nhiều hơn. Khi thị trường có cầu chắc chắn sẽ có nhiều dịch vụ cung ứng. Xét từ nguyên lý trên, có thể thấy thị trường nghệ thuật Việt Nam ngày càng tốt hơn.

- Năm vừa qua có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường đấu giá mỹ thuật Việt Nam. Theo bà, điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với sự phát triển của thị trường nghệ thuật nước ta?

- Không chỉ năm 2024, mà đã từ lâu, tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được nước ngoài chú ý và sưu tập với các mục đích khác nhau. Ví dụ như Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Fasifika Indonesia, các bộ sưu tập tư nhân, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... đều lưu giữ một số lượng tương đối tác phẩm của các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ khóa Kháng chiến và một số ít họa sĩ thời kỳ Đổi mới…

Theo xu hướng phát triển của toàn cầu, tác phẩm nghệ thuật luôn tăng giá trị theo thời gian. Khi tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được nước ngoài chú ý, dù được mua sưu tập hay đầu tư đều rất tốt. Ngoài ra, các nhà sưu tập trong nước cũng rất mạnh tay hồi hương các tác phẩm quý của mỹ thuật Việt Nam. Trong số hơn 20 tác phẩm của các danh họa hàng đầu Việt Nam, đấu giá từ 1 - 3 triệu USD, hầu hết được nhà sưu tập trong nước mua. Ví dụ như “Chân dung cô Phượng”, 1931, sơn dầu, của Mai Trung Thứ giá 3,1 triệu USD năm 2021; “Gia đình trong vườn”, 1938, lụa của Lê Phổ giá 2,37 triệu USD năm 2023; “Dáng hình trong vườn”, 1973, sơn dầu cũng của Lê Phổ giá 2,29 triệu USD năm 2022...

- Với ứng dụng công nghệ số, đấu giá trực tiếp kết hợp trực tuyến ngày càng phổ biến sẽ tác động thế nào đến sự phát triển đấu giá tác phẩm mỹ thuật, thưa bà?

- Phương thức đấu giá trực tuyến đang được hầu hết nhà đấu giá trên thế giới áp dụng và rất hiệu quả khi thu hẹp khoảng cách về thời gian và địa lý. Người mua không phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian, chỉ ngồi nhà vẫn mua được tác phẩm mình thích. Tuy nhiên, phương thức “đấu giá truyền thống” và “đấu giá trực tuyến nhờ công nghệ số” đều có những khán giả riêng sử dụng. Nếu tham gia đấu giá truyền thống, người mua sẽ được tương tác với tác phẩm, đánh giá được chất lượng bề mặt, màu sắc chân thực và quan trọng là cảm xúc khi tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm sẽ khiến các quyết định mua có thể sát với thực tế hơn. Và điều này sẽ không có được khi người mua sử dụng phương thức đấu giá trực tuyến.

Cuối cùng, sự phù hợp nhu cầu sẽ do người mua tự quyết định.

 “Gia đình trong vườn”, tranh lụa của họa sĩ Lê Phổ, được bán với giá 2,37 triệu USD năm 2023. Ảnh: Sotheby

“Gia đình trong vườn”, tranh lụa của họa sĩ Lê Phổ, được bán với giá 2,37 triệu USD năm 2023. Ảnh: Sotheby

- Có một thời gian, việc thẩm định tác phẩm được dư luận quan tâm, trong quá trình đưa ra đấu giá, nhiều người băn khoăn tranh giả, tranh nhái. Theo bà, tình trạng này đã được cải thiện như thế nào thời gian vừa qua?

- Với một nhà đấu giá hợp chuẩn, bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào được đưa ra đấu giá đều phải trải qua nhiều quy trình. Trong đó thẩm định tác phẩm chân bản luôn là ưu tiên số một. Nhưng dù làm hợp chuẩn các bước đến đâu thì đôi khi vẫn có sai số; không ngoại trừ cả những tổ chức đấu giá lớn vẫn có thể gặp phải. Vì vậy, đây luôn là vấn đề được coi trọng hàng đầu của các nhà đấu giá nghiêm túc.

- Để phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam một cách bền vững, theo bà, cần những giải pháp cụ thể nào?

- Giải pháp có thể có nhiều. Tôi chỉ xin đưa ra một vài ý kiến dựa trên hoạt động thực tế.

Như tôi đã nói ở trên, đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng nhiều. Nếu coi “tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm hàng hóa tinh thần” ở dạng thức cao thì càng cần các tổ chức có chất lượng tương xứng để cung ứng dịch vụ. Nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên tư vấn… hoạt động nghiêm túc, tuân thủ đúng pháp luật sẽ tạo được uy tín và niềm tin với khách hàng.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các công ty tư vấn nghệ thuật với đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ mỹ thuật, sử học, văn hóa, giáo dục, kinh tế… có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế thực hiện vai trò kết nối giữa bên mua và bên bán, khiến cho các quyết định mua bán trở nên chính xác hơn cũng góp phần tích cực cho thị trường nghệ thuật phát triển minh bạch.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Ngọc Phương thực hiện

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-trien-thi-truong-my-thuat-viet-tang-ket-noi-va-minh-bach-post399179.html
Zalo