Phát triển tài chính toàn diện, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững
Phát triển tài chính toàn diện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh tác động khác nhau. Hơn thế nữa, còn góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế; giúp các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức… Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Ths. Trần Thị Phương Thanh – Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing.
PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa ngày càng sâu rộng, vai trò của tài chính toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Bà có thể phân tích rõ hơn về thực trạng tài chính toàn diện tại Việt Nam hiện nay?
Ths. Trần Thị Phương Thanh: Tại Việt Nam, thúc đẩy tài chính toàn diện đã được chú trọng trong thời gian qua, thể hiện qua Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mức độ sử dụng tài khoản và thanh toán qua ngân hàng ở Việt Nam còn thấp. Theo số liệu thống kê của IMF, tỷ lệ có tài khoản tại các tổ chức tín dụng của người trưởng thành tại Việt Nam năm 2022 là 56,3%, tuy đã tăng 1,83 lần so với năm 2017 nhưng khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới.
Phát triển các kênh huy động vốn quốc tế là một hướng đi quan trọng
Để thực hiện hiệu quả tài chính toàn diện Chính phủ cần chú trọng đến việc thu hút đầu tư thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Phát triển các kênh huy động vốn quốc tế cũng là một hướng đi quan trọng, giúp đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển kinh tế.
Về mức độ gửi tiết kiệm và vay tại các tổ chức tài chính, tại Việt Nam, thị trường tài chính vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như nhiều quốc gia khác, do đó, người dân không có nhiều kênh đầu tư đa dạng để lựa chọn. Trong bối cảnh này, việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng trở thành một trong những lựa chọn an toàn và phổ biến nhất. Chính vì vậy, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam gửi tiết kiệm thường khá cao, phản ánh sự thận trọng và ít rủi ro trong quản lý tài chính cá nhân. Điều này cũng góp phần gia tăng sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận với các khoản vay từ các tổ chức tài chính lại khá hạn chế.
Về mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính, theo số liệu của Worldbank Enterprise surveys (2023), tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với nguồn vốn từ các định chế tài chính là 40,5%. So sánh với các quốc gia cùng khu vực thì tỷ lệ này của Việt Nam ở mức khá cao.
PV: Đâu là những rào cản, thách thức trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, thưa bà?
Ths. Trần Thị Phương Thanh: Một số rào cản chính có thể kể đến như sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng tài chính và công nghệ thông tin giữa khu vực đô thị và nông thôn vẫn còn lớn; mức độ hiểu biết về tài chính của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thức. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.
PV: Vậy theo bà, những giải pháp, khuyến nghị phát triển tài chính toàn diện hướng tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện như thế nào?
Ths. Trần Thị Phương Thanh: Để thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ nhiều phía.
Thứ nhất, về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, cần tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách. Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tài chính mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần đảm bảo người dân ở mọi khu vực đều được tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, nhằm tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính chính thống.
Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính cũng là một nhiệm vụ then chốt, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng các dịch vụ tài chính số.
Thứ hai, về phía các tổ chức tài chính, cần chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các tổ chức tài chính cần phát triển các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người dân nông thôn.
Thứ ba, giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tài chính. Cần tổ chức các chương trình giáo dục tài chính tại cộng đồng, phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ tài chính chính thống.
Thứ tư, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của tài chính toàn diện. Việc thúc đẩy fintech thông qua hỗ trợ các startup và ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính sẽ giúp tăng tính tiện lợi và an toàn trong giao dịch tài chính.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển về toàn diện tài chính, tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực và quốc tế. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính và công nghệ tài chính sẽ giúp bổ sung nguồn lực và công nghệ cho sự phát triển của ngành./.
PV: Xin cảm ơn bà!
Tài chính toàn diện thúc đẩy phát triển kinh tế qua nhiều kênh
Theo Ths. Trần Thị Phương Thanh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa ngày càng sâu rộng, tài chính toàn diện đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tài chính toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua nhiều kênh tác động khác nhau.
Cụ thể, tài chính toàn diện thúc đẩy quá trình huy động vốn và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế. Khi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ tài chính chính thức, nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội sẽ được chuyển hóa thành nguồn lực đầu tư phát triển.
Đồng thời, tài chính toàn diện góp phần giúp các thành phần trong nền kinh tế dễ dàng tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Được sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng với chi phí hợp lý giúp những thành phần yếu thế trong nền kinh tế cải thiện khả năng tài chính. Điều này không những thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, đổi mới công nghệ nhiều hơn mà còn góp phần Cùng với đó ba, tài chính toàn diện góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng. Qua đây, các hộ gia đình có cơ hội tiếp cận với các phương thức thanh toán đơn giản, linh hoạt, đồng thời có thể tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ đời sống.
Tiếp đến, tài chính toàn diện là công cụ hiệu quả trong việc giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội. Thiếu tiếp cận tài chính khiến người nghèo khó có cơ hội tiết kiệm, đầu tư cho giáo dục, y tế và các hoạt động sinh kế, từ đó làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Cuối cùng, tài chính toàn diện góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tăng cường kiểm soát dòng tiền và giảm thiểu rủi ro từ khu vực tài chính phi chính thức. Theo đó, mở rộng tài chính toàn diện có thể đóng góp tốt hơn đối với việc thực thi chính sách tiền tệ, từ đó bảo đảm ổn định tài chính tốt hơn.