Phát triển sự nghiệp giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Với thế và lực sau 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cùng với đất nước, Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vươn mình bứt phá

Cách đây 70 năm, vào tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui giải phóng Thủ đô, đón đoàn quân chiến thắng trở về. Niềm vui như nhân đôi với các thầy cô giáo và học sinh Hà Nội, bởi ngay sau thời khắc đó là sự ra đời của ngành GD&ĐT Thủ đô. Kể từ mùa Thu năm ấy đến hôm nay, ngành GD&ĐT Thủ đô đã trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Sở GD&ĐT Hà Nội.

7 thập kỷ, tuy chưa thật dài so với lịch sử đất nước, Thăng Long - Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành GD&ĐT Việt Nam nhưng với trọng trách lớn lao “nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài”, cùng với sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên từng chặng đường phát triển, ngành GD&ĐT Thủ đô đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, ghi nhận và khẳng định những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy và trò, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Lật giở lại những trang đầu lịch sử, khi ngành GD&ĐT Thủ đô được khai sinh, chắc hẳn nhiều thế hệ nhà giáo không thể nào quên hình ảnh của một Hà Nội gian khó nhưng sôi nổi và đầy nhiệt huyết với những lớp học bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Vì vậy 80% trẻ em (chủ yếu là con em của nhân dân lao động) bị thất học, khoảng gần 90% người dân Hà Nội chưa biết chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt”, chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ.

Trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu trường học, thiếu phương tiện phục vụ việc học tập… nhưng các lớp học vẫn được tổ chức giản dị, ấm cúng. Thầy kiên trì, nhiệt huyết; trò hồ hởi, hân hoan với niềm vui giản dị khi lần đầu biết viết tên mình. Những tiếng đánh vần “a, ă, â...” vang lên khắp nơi, là những âm thanh vui tươi của một Hà Nội đầy khát vọng tri thức.

Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong bom rơi, đạn nổ, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm lo cho các thế hệ tương lai. Cũng vào thời kỳ ấy, rất nhiều nhà giáo Hà Nội đã phải tạm biệt phấn trắng, bảng đen, hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tham gia nhiều đơn vị chiến đấu tại chiến trường miền Nam hoặc trên các tuyến phòng không bảo vệ miền Bắc với quyết tâm “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hành trang của các nhà giáo không chỉ có vũ khí mà còn có niềm tin và tri thức, giúp nâng cao tinh thần chiến đấu vì lý tưởng.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội nhận thức rõ về vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục, là “trái tim” của cả nước, cần phải nỗ lực phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 1986, với mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.

Đặc biệt, kể từ ngày 1/8/2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và một phần của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình. Từ thời điểm đó, Hà Nội có gần 2.600 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 1,8 triệu học sinh. Cũng từ đó, ngành GD&ĐT Thủ đô có sự hội tụ đa dạng của các vùng sáp nhập. Dù sau hợp nhất còn có rất nhiều khó khăn, song chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao. Thành phố Hà Nội luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; là đơn vị đầu tiên trong cả nước khởi xướng Cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Cuộc vận động đã lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ và toàn diện đến chất lượng giáo dục của Thủ đô.

Tiếp nối truyền thống

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130 nghìn giáo viên, 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trong đó gần 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, 23 trường chất lượng cao; có 120 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố với gần 1 triệu sinh viên.

Triển khai thực hiện Chương trình số 06, ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Thành phố đã và đang tập trung đầu tư xây dựng 8 trường liên cấp có quy mô từ 5ha trở lên. Các điểm trường này được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm các quốc gia trong khu vực. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

Hiện nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước.

Hiện nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước.

Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hà Nội cũng là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn Thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất…

Giáo dục Thủ đô luôn phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; hưởng ứng thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” do Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động. Hàng năm, bên cạnh việc hỗ trợ các đơn vị xây nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng hệ thống nước sạch cho các trường khó khăn thì ngành GD&ĐT Thủ đô đã giúp đỡ về kinh phí, hiện vật thiết bị dạy học, dạy học trực tuyến về các môn khoa học và ngoại ngữ... tới ngành GD&ĐT các tỉnh miền núi, tỉnh khó khăn để động viên, chia sẻ và giúp đỡ các giáo viên, học sinh vùng khó, ủng hộ các vùng bị thiên tai, bão lũ...

Ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành phố Hà Nội là Thành phố học tập - trở thành thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu.

“Toàn ngành GD&ĐT Thủ đô hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử cách mạng Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành 70 năm qua, luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đem hết sức mình phục vụ, đất nước, phục vụ nhân dân; quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển; quan tâm đến vấn đề thời gian, trí tuệ, khát vọng, tiềm lực, hội nhập để đưa nền giáo dục đào tạo ngang tầm, theo kịp các nước phát triển với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-su-nghiep-giao-duc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-180566.html
Zalo