Phát triển sản xuất, nâng cao tốc độ tăng trưởng (Bài 2)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác được giao.

Qua tìm hiểu thực tế, ghi nhận, phản ánh tình hình tái cơ cấu của các doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị "điểm sáng", đã khắc phục khó khăn, có hướng đi mới, từ kinh doanh thua lỗ chuyển sang làm ăn hiệu quả, có lãi, chúng tôi phần nào hiểu thêm những khó khăn nội tại và sự cố gắng vượt bậc của nhiều tập đoàn, tổng công ty để đóng góp vào nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng điều khiển trung tâm tại Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (ngày 24/7/2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng điều khiển trung tâm tại Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (ngày 24/7/2023).

Một số doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước, tiêu biểu như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm về tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước (NSNN). Doanh thu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vượt 30% kế hoạch năm và vượt 25% so với năm 2023. Doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 13,7% so với năm trước. Hiệu quả hoạt động năm 2024 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) phục hồi nhanh, ghi nhận lần đầu có lãi kể từ năm 2020, trong đó doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt 7% kế hoạch.

Petrovietnam và nỗ lực biến "nguy" thành "cơ"

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) là doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Quy mô Tập đoàn với Tổng tài sản hợp nhất đến nay là 42,2 tỷ USD; nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,3 tỷ USD; liên tục đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh: Duy Hiển

Nhà máy lọc dầu Dung Quất góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của đất nước. Ảnh: Duy Hiển

Nằm trong "Top đầu" của các tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, nhưng nhìn lại giai đoạn những năm 2016 - 2019, có thể nói Petrovietnam ở "dưới đáy" của một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, từ khó khăn nội tại, thị trường, sản lượng khai thác suy giảm...

"Để vượt qua khó khăn, khủng hoảng đó; đồng thời, chống chịu với thách thức mới, biến "nguy" thành "cơ", từ năm 2020 đến nay, Ban lãnh đạo đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt. Nổi bật là vai trò của "quản trị biến động" đã mang lại hiệu quả rất lớn, đóng góp quan trọng giúp Petrovietnam vượt khó ngoạn mục, đạt những kết quả vô cùng ấn tượng", Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho hay.

Công tác xử lý các tồn tại ở dự án yếu kém, khó khăn của Petrovietnam được triển khai khắc phục nghiêm túc, hiệu quả với quyết tâm cao nhất và sự tham gia đồng bộ các đơn vị trong tập đoàn; "hồi sinh" các dự án chậm tiến độ như Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, đưa vào vận hành khai thác ổn định, hiệu quả. 11 tháng năm 2024, các chỉ tiêu sản xuất cơ bản của tập đoàn hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm.

Đến thời điểm hiện tại, tập đoàn đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban và HĐTV giao, về đích trước từ 3-5 tháng; tăng trưởng từ 5-31% so với năm 2023.

Cụ thể, tổng doanh thu toàn tập đoàn về đích kế hoạch năm trước 3 tháng, 10 tháng năm 2024 ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn tập đoàn về đích trước 4 tháng, ước đạt 129,2 nghìn tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 43,3 nghìn tỷ đồng, vượt 96% kế hoạch năm.

Đặc biệt, Petrovietnam đang hướng đến mục tiêu đạt 1 triệu tỷ đồng tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2024, thiết lập một kỷ lục mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển...

Nỗ lực vực dậy ngành Hàng hải

Được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250 của Thủ tướng Chính phủ, theo dòng chảy chung tái cơ cấu của nền kinh tế đất nước, thời gian qua, VIMC đã thể hiện được sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành Hàng hải Việt Nam. Với chất giọng miền Trung ấm áp, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh đã chia sẻ với phóng viên những câu chuyện đời, chuyện nghề của những cán bộ, viên chức công tác trong lĩnh vực hàng hải, những công việc thầm lặng, có lúc con tàu VIMC phải vượt qua "cơn bĩ cực" để có thành tựu như ngày hôm nay.

VIMC là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về năng lực cung ứng trong chuỗi dịch vụ hàng hải.

VIMC là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về năng lực cung ứng trong chuỗi dịch vụ hàng hải.

Nhắc lại câu chuyện không vui giai đoạn 2010 - 2025, Tổng Công ty đối mặt với gánh nặng nợ xấu từ các dự án đầu tư không hiệu quả, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế và tình trạng già hóa đội tàu; tình hình tài chính lao dốc với khoản lỗ lên đến 25.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm, "nợ nhiều quá không đủ tiền trả", "mỗi ngày ngủ dậy bước xuống giường mất 4 tỷ đồng tiền lãi", ông cho rằng, quan trọng là phải "chẩn đoán đúng bệnh, kiên quyết đề xuất các cấp cấp đúng thuốc", mà biện pháp tức lời là "cắt máu", tái cơ cấu.

"Chúng tôi buồn lắm chứ, nhưng như con tàu vẫn phải ra khơi, tôi và nhiều cán bộ quyết bám trụ ở lại chính vì danh dự của người cán bộ làm trong doanh nghiệp về hàng hải, khó khăn nhưng phải chèo lái, không thể để tàu chìm, bởi đằng sau đó là sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của bao gia đình cán bộ công nhân viên chờ mong…"- Chủ tịch Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VIMC đã xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, tài chính, tái cơ cấu về mô hình tổ chức và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; giảm từ 21 đơn vị xuống còn 16 đơn vị, thu gọn 11 đầu mối doanh nghiệp, chuyển đổi 5 doanh nghiệp, cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động 4 doanh nghiệp...

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh).

Những bước đi táo bạo và quyết đoán đã giúp Tổng Công ty vượt qua khủng hoảng để hình thành nên một diện mạo hoàn toàn mới. Tháng 8/2020, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ủy ban, VIMC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trở thành công ty đại chúng quy mô lớn tại Việt Nam. Hiệu quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2022 tổng doanh thu tăng 38% so với năm 2020; năm 2023 tổng doanh thu đạt 13.965 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Lợi nhuận hàng năm cũng tăng trưởng cao, năm 2022 tăng hơn 6 lần, và lợi nhuận năm 2023 tăng hơn 4 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm, đạt 27.818 tỷ đồng vào ngày 30/6/2024 (tăng 14%); vốn chủ sở hữu đạt 15.719 tỷ đồng (tăng 67%).

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vinachem Nguyễn Hữu Tú (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu làm việc với nhóm phóng viên Báo CAND.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vinachem Nguyễn Hữu Tú (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu làm việc với nhóm phóng viên Báo CAND.

Để phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam, Tổng Giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, nhấn mạnh: "VIMC cần quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần và khách hàng như "giữ trận địa". Để làm được điều đó, họ không chỉ đặt mình vào vị trí khách hàng mà còn phải "tư duy như đối thủ", từ đó định hướng hoạt động kinh doanh nhằm mang lại giá trị tối ưu nhất cho khách hàng.

"Gió đổi chiều" tại Vinachem

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, ngày 10/11/2018 đánh dấu bước chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Vinachem từ Bộ Công Thương sang Ủy ban. Với mục tiêu tái cơ cấu và tối ưu hóa hoạt động của tập đoàn, Vinachem đã tuân theo định hướng từ Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, cải thiện tình hình tài chính và đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vinachem Nguyễn Hữu Tú (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu làm việc với nhóm phóng viên Báo CAND.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Vinachem Nguyễn Hữu Tú (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu làm việc với nhóm phóng viên Báo CAND.

Một trong những điển hình về tái cơ cấu, từ việc có thể bị giải thể, nay đã bứt phá đi lên, làm ăn có lãi thuộc Vinachem là Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn về công ty, trái với hình dung, trong chuyến đi thực tế ngày 13/11/2024 vừa qua, chúng tôi được "mục sở thị" một mô hình nhà máy xanh, sạch, đẹp, nơi cách đây 64 năm đã cho ra đời những bao đạm đầu tiên tại Việt Nam (tháng 12/1975). Trực tiếp làm "hướng dẫn viên" cho đoàn tham quan trụ sở công ty và nhà máy rộng 85ha tại trung tâm TP Bắc Giang, ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc - người có thâm niên 30 năm gắn bó với nơi này bùi ngùi kể về lịch sử hình thành và phát triển cũng như sự nỗ lực vượt khó của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Một ca sản xuất tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: Phùng Nguyễn.

Một ca sản xuất tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: Phùng Nguyễn.

"Trong quá trình xây dựng, do chiến tranh nên chúng tôi mất 10 năm mới ra được bao đạm. Từ chế độ bao cấp đến kinh tế thị trường, công ty trải qua nhiều khó khăn, có những lúc Chính phủ, Bộ Chính trị phải bàn xem nên giữ hay là bỏ. Do đánh giá tầm quan trọng của một đơn vị sản xuất phân bón - loại vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ đạo đảm bảo an ninh lương thực nên chúng tôi được giữ lại trước nguy cơ bị xóa sổ", ông nhớ lại.

Không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp liên quan, với sự cố gắng, quyết tâm cao giữ và tiếp tục phát triển thương hiệu, đến nay "bức tranh" công ty đã khởi sắc hơn. Theo ông Mai Thế Hạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, hiện cán bộ nhân viên công ty đã được tái cơ cấu, tinh gọn từ 2.500 - 3.000 người nay chỉ còn khoảng 1.300 người; công suất gấp hơn 2,5 lần, khoảng 1.300 tấn phân bón/ngày; doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh (thứ hai từ phải sang) trao đổi với nhóm phóng viên Báo CAND.

Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh (thứ hai từ phải sang) trao đổi với nhóm phóng viên Báo CAND.

Nhờ những quyết sách và chỉ đạo mang tính chiến lược của Bộ Chính trị, lãnh đạo Chính phủ cùng sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời từ các ban, bộ, ngành và địa phương, đến nay, các dự án thua lỗ của Vinachem đã bước vào giai đoạn "gió đổi chiều", hồi sinh và có lãi, đưa lợi nhuận toàn tập đoàn lên mức kỷ lục trong các năm 2022 và 2023. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn được cải thiện mạnh mẽ, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động...

(Còn nữa)

Vai trò rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước trong Kỷ nguyên mới

Trao đổi với PV Báo CAND, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua 15 năm tái cơ cấu, các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước đã cơ bản tinh gọn, từ mấy chục ngàn doanh nghiệp xuống chỉ còn hơn 800; đã xử lý những dự án thua lỗ kéo dài, "trùm mền". "Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn đang giữ vai trò quan trọng, chủ đạo của nền kinh tế, nằm trong "top đầu" các doanh nghiệp đạt mức lãi cao và đóng góp vào NSNN. Đồng thời, Ủy ban đã và đang phát huy vai trò của mình", ông đánh giá.

Tuy nhiên, theo đại biểu, so với tiềm năng, lợi thế thì các tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa phát huy được hết. Đầu tiên, mấu chốt nhất vẫn là thể chế, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phải được sửa đổi một cách triệt để theo hướng phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, không bỏ lỡ các yếu tố thời cơ, thời điểm mang tính chất quyết định. Phải tách bạch chức năng giữa cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành với cơ quan đại diện vốn Nhà nước, đơn vị doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.

"Cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát bằng những công cụ tài chính và công cụ quản lý vốn, cần xây dựng hệ thống công cụ để dự báo, chuỗi dữ liệu để phân tích, biết được "sức khỏe" của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý vốn Nhà nước phải xây dựng bộ máy giám sát thông qua các chỉ tiêu đó, chứ không can thiệp sâu về kế hoạch sản xuất kinh doanh", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định. Ông cho rằng, nếu tháo được vướng mắc về thể chế thì mới phát triển được. Kỷ nguyên mới xây dựng Nhà nước xã hội XHCN rất cần vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước, họ phải là doanh nghiệp có vị trí dẫn dắt, phải trở thành những tập đoàn lớn để đảm nhiệm thi công những công trình quan trọng của quốc gia...

Duy Hiển - Anh Hiếu- Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-san-xuat-nang-cao-toc-do-tang-truong-bai-2--i754196/
Zalo