Phát triển sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực ngay từ đầu năm 2025

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Đây cũng là năm phải thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.

Hướng tới tăng trưởng GRDP với 2 con số

Bình Thuận đang hướng tới tăng trưởng GRDP với 2 con số trong những năm tới, đây là mục tiêu của tỉnh quyết tâm phải thực hiện cho bằng được. Để đạt được mục tiêu này, trước hết các ngành, địa phương phải huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và bố trí các nguồn vốn của tỉnh để đầu tư các công trình trọng điểm. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2025 bảo đảm chất lượng, tiến độ... Năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 7,25%, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 9/14 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đặc biệt là du lịch của tỉnh tiếp tục có tốc độ phát triển nhanh, thu ngân sách đạt 10.015 tỷ đồng, đạt 100,15% dự toán năm... Không bằng lòng với kết quả trên, năm 2025 tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, phấn đấu tổng sản phẩm nội tỉnh tăng từ 8 - 8,5%, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Để đạt được mục tiêu đề ra phải có sự chung ta của các ngành, địa phương. Theo đó, các ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, rà soát xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực, địa bàn đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch, làm căn cứ, cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt là các ngành, địa phương huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và bố trí các nguồn vốn của tỉnh để đầu tư các công trình trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2025 bảo đảm chất lượng, tiến độ...

Năm “tăng tốc” để hoàn thành kế hoạch 5 năm

Năm 2025, là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, tỉnh Bình Thuận đề ra, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2025. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, chính vì thế ngay từ đầu năm 2025 này, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nâng chất lượng nguồn nhân lực, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế, đồng thời chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành thủy sản gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết có hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả…

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-trien-san-xuat-kinh-doanh-tren-moi-linh-vuc-ngay-tu-dau-nam-2025-127286.html
Zalo