Phát triển sản phẩm OCOP từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Ngày 30/10, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Cả 11/11 thành viên hội đồng OCOP cấp tỉnh Hậu Giang bỏ phiếu thống nhất công nhận mới 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, đưa tổng số sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hậu Giang là 109 sản phẩm.

Cụ thể, huyện Phụng Hiệp có 2 sản phẩm công nhận mới là dầu xoa bóp thảo dược phương thuốc gia truyền UT lạnh và nóng; thành phố Ngã Bảy có 4 sản phẩm công nhận mới là chả giò mít non, chả lụa mít non, bún khô gạo lứt, phở khô gạo lứt; thị xã Long Mỹ có 3 sản phẩm công nhận mới là gạo ST25, gạo RVT, dưa lưới Hưng Thịnh; huyện Châu Thành A có 2 sản phẩm mới là lươn nướng toppoki, sầu riêng múi cấp đông; huyện Long Mỹ có 1 sản phẩm mới là mật ong hoa chôm chôm; huyện Vị Thủy có 2 sản phẩm mới gạo sạch Kiến Thành, gạo lứt - gạo sạch Tân Long; thành phố Vị Thanh có 2 sản phẩm mới gạo Nàng Chăng, chả giò cá thát lát; huyện Châu Thành có 1 sản phẩm mới dưa lưới hữu cơ Ngọc Thành.

Trong số này, có nhiều sản phẩm mới thể hiện sự năng động, sáng tạo, bước đầu đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, được chế biến từ mật ong, mít, chả cá thát lát, như “Mật ong hoa Chôm Chôm”, “Chả giò mít non; Chả lụa mít non”, “Sầu riêng múi cấp đông”, “Lươn nướng toppoki (unagi kabayaki)”, “Dầu xoa bóp Thảo dược phương thuốc gia truyền UT (nóng và lạnh)”…

Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Hậu Giang, các sản phẩm OCOP đều dựa trên sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc trưng của tỉnh như gạo, mít, sầu riêng, mãng cầu, cá thát lát, lươn… để sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mới, đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, bổ ích cho sức khỏe, tiện lợi, bao bì mẩu mã sản phẩm đẹp.

Sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh Hậu Giang.

Sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh Hậu Giang.

Bà Trần Thị Út, Giám đốc Hợp tác xã dưa lưới Ngọc Thanh (ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, xuất phát điểm là trang trại Ngọc Thanh và sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022, đến nay, diện tích sản xuất và số nhà lưới đã mở rộng lên 12 nhà màng, cho năng suất 160 tấn dưa lưới/năm đạt chuẩn VietGAP. Hợp tác xã tiếp tục không ngừng đẩy mạnh việc kết hợp vùng nuôi trồng dưa lưới đạt chuẩn VietGAP với du lịch sinh thái rộng 8 ha.

“Đây là lần đầu tiên sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Thời gian qua, với nhận thức, định hướng phát triển sản phẩm cây trồng ứng dụng khoa học công nghệ cao, hợp tác xã đã tập trung phát triển sản xuất sản phẩm dưa lưới hữu cơ. Cùng đó, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang, trong việc bao gói, mẫu mã, nhãn hiệu nên sản phẩm dưa lưới được người tiêu dùng ưa chuộng” - bà Út nói.

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu Quốc gia Hậu Giang, từ nay đến cuối năm 2024, hai địa phương còn lại của tỉnh thực hiện sản phẩm OCOP hoàn thành thì tỉnh đạt kế hoạch 75 xã, phường, thị trấn thực hiện Chương trình OCOP. Văn phòng tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phát triển sản phẩm, tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu đến hết năm 2024, mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh sẽ công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao; thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận 36 tháng trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Trung ương.

Chủ thể sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh phát biểu.

Chủ thể sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh phát biểu.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các chủ thể tiếp tục cải thiện mẫu mã hàng hóa, chất lượng sản phẩm để duy trì danh hiệu và đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương trong thời gian tới. Nhất là, các chủ thể quan tâm hơn về liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng phát triển cho chủ thể và vùng nguyên liệu, đồng thời tăng tính quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài.

Mặt khác, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao cấp huyện và 4 cấp tỉnh; đồng thời chăm bồi các sản phẩm tiềm năng để được xét công nhận đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, tỉnh phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản tạo điều kiện các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia mạnh mẽ thị trường trong nước, ngoài nước.

Chương trình OCOP của tỉnh Hậu Giang đạt nhiều kết quả thiết thực. Đến nay, tỉnh có hơn 300 sản phẩm OCOP, trong đó, có 109 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao, với cả trăm chủ thể tham gia, trong đó 18 công ty, chiếm 14,4%; 36 hợp tác xã, chiếm 28,8%; 71 cơ sở, hộ kinh doanh, chiếm 56,8%.

Tin, ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-tu-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-20241030144459532.htm
Zalo