Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch Lạng Sơn

Hội thảo 'Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch Lạng Sơn' vừa được tổ chức chiều 2/12.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút khách. Tỉnh cũng đã dành nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở lưu trú với 4.072 buồng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao với tổng số 421 buồng, còn lại là các loại hình lưu trú du lịch đủ điều kiện tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Nguồn nhân lực du lịch có khoảng trên 8.500 lao động, trong đó có khoảng trên 4.400 lao động trực tiếp đã được đào tạo cơ bản.

Lượng du khách đến Lạng Sơn có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2023, lượng du khách đến Lạng Sơn đạt 3,92 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 34.500 lượt khách nội địa đạt trên 3,8 triệu lượt khách. Doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 3.135 tỷ đồng. Trong năm 2024, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ước đạt 4,21 triệu lượt người, doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng.

Sông Kỳ Cùng đang được Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch “Tìm đến Kỳ Cùng – tìm về cội nguồn nơi dòng sông chảy ngược”

Sông Kỳ Cùng đang được Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch “Tìm đến Kỳ Cùng – tìm về cội nguồn nơi dòng sông chảy ngược”

Báo cáo của Sở VHTTDL Lạng Sơn cũng cho biết, trong những năm qua, du lịch Lạng Sơn được quan tâm đầu tư, phát triển; ngành du lịch tỉnh từng bước khẳng định được vị trí, vai trò trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch mang tính độc đáo có sức cạnh tranh cao…

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá về thực trạng, tiềm năng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Lạng Sơn là một tỉnh địa đầu biên giới của Tổ quốc có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thương hiệu du lịch Lạng Sơn chưa thực sự mạnh, chưa tương xứng với tài nguyên và nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn...

Lạng Sơn có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, khí hậu phong phú, đặc trưng; bản sắc văn hóa độc đáo; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tâm linh; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với trên 280 lễ hội; trong đó nhiều di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được UNESCO công nhận và ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mới đây nhất, Công viên địa chất Lạng Sơn đã được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu thẩm định, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO...

Đây là những lợi thế lớn của tỉnh trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, từ đó, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, do đó địa phương đã và đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách, giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

T.Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-trien-san-pham-du-lich-va-nhan-dien-quang-ba-thuong-hieu-san-pham-du-lich-lang-son-20241202232655692.htm
Zalo