Phát triển phong trào khởi nghiệp theo hướng bền vững
Những năm gần đây, huyện Lai Vung tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các mô hình, dự án khởi nghiệp phát triển. Điều này đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Lê Long Hồ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Long (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu sản phẩm phân hữu cơ tại các chương trình, hội chợ nông nghiệp
Tiếp lửa cho phong trào khởi nghiệp
Theo UBND huyện Lai Vung, thời gian qua, địa phương xây dựng môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng cho giới trẻ, khuyến khích tạo ra các hình thức khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của thanh thiếu niên, doanh nghiệp trẻ về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; xây dựng và triển khai các Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Khởi nghiệp trong thanh niên”. Đồng thời tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ, kết nối; tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, huyện tập trung chủ động giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo hướng linh hoạt, sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh cải cách hành chính. Hướng dẫn việc đăng ký mã số, mã vạch cho các cơ sở để nâng cao tiêu chuẩn về bao bì sản phẩm hàng hóa và đảm bảo các điều kiện tham gia OCOP; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chương trình khuyến công. Bên cạnh đó, thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại các vùng miền trong nước...
Nhận thấy thế mạnh ở địa phương vẫn còn bỏ ngỏ, anh Lê Long Hồ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Long (xã Hòa Long, huyện Lai Vung) từ bỏ công việc trong ngành thủy sản trở về quê để bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thời gian miệt mài nghiên cứu, anh Hồ vừa sản xuất vừa nghiên cứu các quy trình sản xuất phân hữu cơ từ rơm mục, trùn quế và chế phẩm Trichoderma. Sau thời gian thử nghiệm, đến cuối năm 2023, anh Hồ thành công với mẻ phân hữu cơ đầu tiên ở dạng bột và viên. Thời gian đầu, anh chỉ dùng để bón cho các loại cây trồng trong vườn của gia đình và tặng cho hàng xóm dùng thử.
Anh Hồ cho biết: “Công việc khởi nghiệp ban đầu rất khó khăn, sản phẩm làm ra chưa được thị trường tin dùng do còn mới mẻ. Tuy nhiên, tôi không từ bỏ và quyết tâm nghiên cứu thêm để hoàn thiện sản phẩm. Từ các nguyên liệu rơm và hợp chất có sẵn, tôi phối trộn theo tỷ lệ nhất định, cấy các loại men vi sinh có lợi nhằm tạo ra sản phẩm phân hữu cơ đạt hiệu quả hơn”.
Qua thời gian hoàn thiện, đến đầu năm 2024, sản phẩm phân hữu cơ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Long ra đời và bước đầu được thị trường đón nhận. Điểm nhấn của sản phẩm là giúp cải tạo và tăng độ phì cho đất; cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đến nay, mỗi tháng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Long cung ứng khoảng 200 tấn phân hữu cơ cho thị trường trong và ngoài tỉnh...
Là một người con của quê hương Lai Vung, gia đình có nhiều thế hệ làm nông nghiệp, từ nhỏ, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh (SN 1995) ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung có niềm yêu thích với nông nghiệp. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Bảo vệ thực vật của Trường Đại học Cần Thơ, Nguyễn Thế Ngoan Vinh quyết định xây dựng mô hình “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng dưa lưới trong nhà màng”. Nhờ ứng dụng hiệu quả các công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong canh tác, mô hình trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Với nhu cầu thị trường ngày một nhiều, anh Ngoan Vinh nhân rộng mô hình lên gần 5.000m2.
Anh Vinh chia sẻ: “Từ những kiến thức được học, tôi mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào canh tác với mong muốn cùng bà con góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương hiện đại, bền vững”.

Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao
Cầu nối cho sản phẩm khởi nghiệp
Theo UBND huyện Lai Vung, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục pháp lý, cải tiến khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, lao động. Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP về đổi mới nhãn mác, bao bì. Hỗ trợ tham gia các phiên chợ xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu để đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ, các trung tâm thương mại trong và ngoài nước.
Huyện tiếp tục phối hợp ngành tỉnh tổ chức cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tham quan học tập các mô hình hay, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất tại địa phương nhằm nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu về đổi mới nhãn mác, bao bì.
Ngoài ra, tiếp cận, theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục pháp lý, cải tiến khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thành lập hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động theo hướng tiên tiến...
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả về phát triển kinh tế tư nhân, đưa thành phần này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, vận dụng, triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối, tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa, tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, khởi nghiệp của huyện...”.