Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - còn nhiều vướng mắc

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) được xem là một trong những giải pháp then chốt, giúp người dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc nhân rộng mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Diện tích trồng dưa chuột baby trong nhà màng tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Diện tích trồng dưa chuột baby trong nhà màng tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Những năm qua, phát triển nông nghiệp theo hướng CNC trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan với hầu hết các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội. Đối với mô hình trồng trọt, lợi nhuận trung bình gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường và chăn nuôi cao gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại nhiều địa phương, lĩnh vực nông nghiệp CNC mới chỉ phát triển bước đầu, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC chưa mạnh, nhất là chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, thời gian để các doanh nghiệp thuê đất ngắn, trong khi vốn đầu tư khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC còn hạn hẹp, giá của các sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; trình độ của người lao động còn hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nhất là ở khu vực miền núi...

Chia sẻ về những khó khăn trên, bà Lê Thị Dung, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), cho biết: "Nhận thấy canh tác truyền thống có nhiều bất cập, rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, với mong muốn cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, năm 2013, tôi đầu tư xây dựng mô hình trồng rau, dưa Kim Hoàng Hậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Không giống như canh tác truyền thống, để sản xuất theo mô hình CNC, ngoài hệ thống nhà lưới, giàn tưới tự động được đầu tư, việc áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, sổ ghi chép lịch thời vụ... cũng phải được thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, các phương pháp ghép cành, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao...”.

Tại huyện Thọ Xuân, xác định phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã ban hành nhiều chính sách thiết thực nhằm thu hút người dân đầu tư, ứng dụng CNC vào sản xuất. Đến nay, huyện Thọ Xuân đã xây dựng được hơn 55ha nhà lưới, nhà kính để sản xuất nông nghiệp CNC; 8 trang trại chăn nuôi gà, lợn tự động, 15 trang trại chăn nuôi tự động, 70 cơ sở chăn nuôi gà tập trung quy mô lớn... Bên cạnh đó, một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng, như: sản xuất hoa, rau, quả trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Isarel; mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước nhỏ giọt trên cây ăn quả, cây mía... Tuy đã có nhiều kết quả khả quan, nhưng việc phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn gặp nhiều khó khăn; nhất là, việc tích tụ tập trung đất đai. Theo đó, nhận thức của người dân về tích tụ ruộng đất còn chưa đầy đủ, tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng; hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn. Cùng với khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, công tác dự báo nhu cầu, thông tin thị trường chưa được thực hiện một cách hệ thống, các hộ dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất xong mới đi tìm đầu ra; chăn nuôi nông hộ vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn...

Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gặp trở ngại trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, vì vậy, cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm “phá bỏ” những rào cản mà các doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; kéo dài thời gian thuê đất; tạo cơ chế thông thoáng, thu hút doanh nghiệp, HTX và hộ dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và người lao động; thực hiện chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm...

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-con-nhieu-vuong-mac-236222.htm
Zalo