Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu
Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030'. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.
Ngoài các dự án NƠXH độc lập hoặc trong các dự án nhà ở thương mại, cần đa dạng loại hình mua, thuê, thuê mua NƠXH, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng khó khăn về nhà ở cho người dân, nhất là đối với người có thu nhập thấp.
Nguồn cung khan hiếm
NƠXH khá “hot” trong phân khúc nhà ở hình thành trong tương lai, bởi giá cả khá mềm so với các phân khúc còn lại. Hiện, giá NƠXH trên địa bàn dao động khoảng từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn hộ. Dù vậy, mức giá này được cho là khá cao so với thu nhập của người thu nhập thấp. Song, trong bối cảnh giá nhà, đất đang ở mức cao như hiện nay, đây vẫn là phân khúc thỏa mãn được nhiều nhất nhu cầu, điều kiện của nhiều người.
Làm một phép so sánh nhỏ trong phân khúc nhà ở hình thành trong tương lai sẽ thấy, hiện, giá nhà phân khúc trung bình đang dao động ở mức 1,5- 1,8 tỷ đồng; căn hộ cao cấp từ 2,5 - 4 tỷ đồng, thậm chí cao hơn. Với giá đất khu vực thành phố lại càng quá cao so với nhu cầu của người thu nhập thấp, khi giá trị một thửa đất xen ghép trong khu dân cư, không quá xa thành phố cũng dao động từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng và cao hơn gấp đôi nếu là đất tại các khu quy hoạch ở trung tâm thành phố. Chưa nói, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở cũng là áp lực không nhỏ, bởi giá nhân công, vật liệu không ngừng tăng lên.
Với mặt bằng thu nhập chung của người dân, nhất là người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở thì mức giá này rất “khó với” tới. Tính trung bình, hai vợ chồng làm công chức nhà nước với thời gian làm việc từ 7-10 năm, không có nguồn thu nhập khác thì tổng thu nhập vào khoảng 16 -18 triệu đồng/tháng. Nếu là công nhân các doanh nghiệp trên địa bàn thì mức thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, cộng với việc nuôi 2 con ăn học thì khoản tiết kiệm hay vay mượn 1 tỷ đồng để mua một căn hộ NƠXH là điều không hề dễ dàng.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, quê Hà Tĩnh vào Huế lập nghiệp hơn 10 năm cho hay, từ trước đến nay, vợ chồng anh tìm hiểu khá nhiều các dự án NƠXH vì nghĩ sẽ dễ mua, giá mềm và được tiếp cận với vốn vay ưu đãi hơn các phân khúc khác. Ban đầu, anh đăng ký mua tại dự án NƠXH Aranya, tuy nhiên, hồ sơ của anh không được duyệt vì có quá nhiều người đặt mua và bốc thăm không trúng. Mới đây, anh chuyển sang tìm hiểu dự án Ecogarden, nhưng do chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định nên chưa mua được căn hộ.
Không riêng anh Tuấn Anh, trên địa bàn hiện có rất nhiều người có nhu cầu mua NƠXH. Bằng chứng là ngay khi dự án Ecogarden mở bán đã có rất nhiều người nộp hồ sơ mua nhà. Trước đó, các dự án NƠXH như: Vicoland, Xuân Phú hay Aranya cũng nhanh chóng bán hết căn hộ. Thậm chí, dự án Aranya giai đoạn 2, số lượng người đăng ký mua cao hơn nhiều lần so với số lượng căn hộ mở bán, khách hàng phải bốc thăm để được mua căn hộ.
Khảo sát của Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh về nhu cầu nhà ở đối với công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp Phong Điền cho thấy, 47% công nhân lao động có nhu cầu mua nhà ở giá thấp, 20% có nhu cầu thuê nhà trọ. Với khối công an, quân sự, cán bộ, công chức dưới 35 tuổi nhu cầu này cũng khá cao. Để thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2030 đầu tư 7.700 căn hộ NƠXH; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 3.100 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 4.600 căn. Mới đây, Nghị quyết điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 cũng xác định nhu cầu phát triển NƠXH trên địa bàn vào khoảng 1.016.205m2 sàn đến năm 2025 và con số cần phát triển thêm đến 2030 là 951.562m2 sàn. Theo đó, nhu cầu về đất phát triển NƠXH đến năm 2025 sẽ tăng thêm 302,37ha và con số này năm 2030 là 395,98ha.
Đó chỉ là nhu cầu của người dân trong phân khúc NƠXH dự án, thực tế, số lượng người thu nhập thấp có nhu cầu đầu tư nhà ở trên địa bàn còn nhiều hơn.
Cần thiết đa dạng loại hình
Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp hiện không chỉ bó hẹp trong phạm vi các dự án NƠXH mà đa dạng hơn từ nhu cầu, sở hữu, nhất là đối với trường hợp người không đủ điều kiện mua NƠXH thì việc phát triển các dự án nhà ở theo hình thức cho thuê, hay với nhóm đối tượng đã có đất ở nhưng chưa thể đầu tư NƠXH cũng rất cần thiết.
Thực tế, ngoài việc phát triển đa dạng loại hình NƠXH như các dự án NƠXH độc lập hoặc trong các dự án nhà ở thương mại, Thừa Thiên Huế cũng đang mở rộng chính sách mua, thuê, thuê mua NƠXH, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với mức giá được xây dựng khá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn. Kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân. Triển khai khá hiệu quả gói vay vốn NƠXH do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng người có thu nhập thấp đầu tư xây dựng nhà ở.
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển NƠXH theo tinh thần Chỉ thị 34, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, ý nghĩa của công tác phát triển NƠXH. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác phát triển NƠXH, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển NƠXH theo các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở. Việc huy động, bố trí nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển NƠXH, ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển NƠXH cũng được tính đến. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay NƠXH; bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi phát triển NƠXH.
(còn nữa)