Phát triển nhà ở xã hội xanh: xác định lộ trình từ vốn tới công nghệ

Thời gian qua, nhiều chính sách của Nhà nước trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) đã được ban hành. Tuy nhiên, mặc dù đã có công trình xanh, vật liệu xanh... nhưng cần xây dựng các chỉ dẫn để nhân rộng, thu hút người người dân.

Nhà ở xã hội tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhà ở xã hội tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Chi phí không lớn

Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng Phòng Quản lý, phát triển NƠXH, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường tại Việt Nam có thể kể đến là do nhận thức về bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng khi phát triển nhà ở chưa thực sự đầy đủ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công trình nhà ở này thường cao hơn chi phí nhà ở thông thường 1 - 2%. Ngoài ra, còn thiếu sự tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng nên chủ đầu tư và khách hàng mua, thuê mua, thuê nhà ở ít quan tâm đến phân khúc này.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh Nguyễn Công Bảo cho biết, việc lựa chọn tiêu chí xanh và VLXD phù hợp là một trong những cách giúp công trình xanh nói chung và NƠXH nói riêng có thể đạt được mục tiêu không phát sinh chi phí.

Chủ đầu tư dự án không khó tìm những sản phẩm, VLXD “xanh” với mức giá cạnh tranh, không tăng chi phí. Bê tông có hàm lượng tái chế từ xỉ lò cao hoặc tro bay từ 25 - 30%; hay với thép được sản xuất từ công nghệ lò cao hoặc điện hồ quang – sử dụng thép tái chế và giảm phát thải CO2. Riêng với xi măng nhãn xanh của Fico Tây Ninh, phát thải của sản phẩm chỉ trong khoảng từ 350 - 600kg CO2/tấn, ít hơn từ 30 - 70% so với xi măng Portland được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Tỷ lệ clinker trong xi măng nhãn xanh Fico là 53,6%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu tại Việt Nam là tối đa 65% trong năm 2030 và còn 60% vào năm 2050. Nguyên liệu để tạo ra xi măng nhãn xanh này từ xỉ lò cao là phế phẩm của các lò cao luyện thép hoặc tro bụi từ các nhà máy nhiệt điện.

“Cùng một giá, cùng một chất lượng nhưng chúng ta có thể lựa chọn sản phẩm mà đơn vị tư vấn tính toán lượng phát thải ít hơn. Xi măng nhãn xanh có thể giúp các tòa nhà đạt mục tiêu giảm mạnh lượng phát thải, nhưng không phát sinh thêm chi phí lớn” - ông Nguyễn Công Bảo chia sẻ.

Cần chỉ dẫn để nhân rộng

Đề cập về vấn đề giải pháp, thạc sĩ Nguyễn Đức Vinh đưa ra 4 mục tiêu trước mắt cần tập trung giải quyết. Một là, nghiên cứu và ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số.

Đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu của hộ gia đình, cá nhân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Hai là, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp, ứng dụng công nghệ số. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng để thu hút cũng như phát triển loại hình nhà ở này.

Ba là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.

Cuối cùng, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới, Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Về vấn đề này, TS.KTS Trịnh Hồng Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia kiến nghị nên phát triển công trình NƠXH tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn trước mắt. Để thực hiện điều này, một trong những điều cần thiết là ban hành hướng dẫn xây dựng NƠXH tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, để phát triển công trình xanh, cần phải xây dựng rất nhiều các chỉ dẫn như định mức chi phí trần cho thực hành xanh; các chỉ dẫn về vận hành... cũng như đạt được các nhóm tiêu chí cơ bản của công trình xanh, chiều cao công trình, đảm bảo các yếu tố về tiết kiệm năng lượng....

"Cần phát triển NƠXH xanh và tiết kiệm năng lượng bởi không chỉ giúp tạo lập cuộc sống tốt hơn cho cư dân là những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc giảm chi phí điện, nước, cải thiện sức khỏe, năng suất, giá trị bất động sản; đồng thời giảm phát thải khí CO2, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu" - TS.KTS Trịnh Hồng Việt bày tỏ.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-nha-o-xa-hoi-xanh-xac-dinh-lo-trinh-tu-von-toi-cong-nghe.html
Zalo