Phát triển nguồn gene trâu Thanh Chương

Trâu Thanh Chương - một giống trâu nổi tiếng của vùng Bắc Trung Bộ với khả năng chống chịu bệnh tật khá cao và có tiềm năng kinh tế lớn. Tuy nhiên, giống trâu quý này đang đối mặt với nguy cơ mai một nếu không có những biện pháp bảo tồn và phát triển phù hợp.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi thụ tinh cho trâu.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi thụ tinh cho trâu.

Trâu Thanh Chương được biết đến với khả năng thích nghi vượt trội với khí hậu khắc nghiệt của vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong môi trường đầy nắng nóng, gió khô vào mùa hè và rét buốt vào mùa đông, giống trâu này vẫn chứng tỏ sức chống chịu. Không chỉ vậy, trâu Thanh Chương còn nổi bật với khả năng sử dụng thức ăn thô, xanh nghèo dinh dưỡng tốt hơn hẳn nhiều giống trâu khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mùa đông khan hiếm thức ăn, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Không chỉ dừng lại ở khả năng thích nghi, trâu Thanh Chương còn sở hữu đặc điểm ngoại hình vượt trội. Trọng lượng trung bình của trâu đực trưởng thành đạt trên 540kg, trong khi trâu cái đạt hơn 480kg, cao hơn đáng kể so với nhiều giống trâu khác. Chất lượng thịt ngon, trở thành món đặc sản được ưa chuộng, càng làm tăng giá trị của giống trâu này.

Dẫu vậy, thực trạng chăn nuôi trâu Thanh Chương vẫn còn nhiều bất cập. Việc nuôi trâu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống, thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật. Các vấn đề như giao thông khó khăn, điều kiện kinh tế eo hẹp, và bãi chăn thả bị thu hẹp dần khiến chăn nuôi trâu gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, chưa có những cơ chế phù hợp để giữ lại những trâu đực giống tốt làm giống, và chưa có cơ chế phù hợp cho những hộ nuôi trâu đực giống để phối cho đàn trâu cái, do đó những trâu đực to thường được bán đi vì giá cao, trâu đực nhỏ giữ lại để làm giống… Đây là những nguy cơ dẫn đến suy thoái cận huyết, làm suy giảm khả năng sản xuất, giảm khối lượng và khả năng sinh sản. Chính vì thế, rất cần thiết chọn lọc những trâu tốt nhất để sản xuất tinh và áp dụng thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao tầm vóc đàn trâu quý tại Thanh Chương và nhân rộng ra các vùng khác.

Nhằm giải quyết những vấn đề này, một nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng đã được Trung tâm nghiên và Phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi) triển khai từ tháng 3/2021, với mục tiêu bảo tồn và phát triển nguồn gene trâu Thanh Chương. Sau gần ba năm thực hiện, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Qua khảo sát tại 400 hộ nuôi trâu ở các xã Thanh Phong, Thanh Thủy, Thanh Đồng, và Ngọc Sơn, 85 con trâu cái sinh sản đã được chọn lọc để tham gia mô hình sản xuất. Đặc biệt, phân tích ADN cho thấy trâu Thanh Chương có sự đa dạng di truyền cao, với số alen trung bình/locus đạt 7,67 và hệ số dị hợp tử quan sát (Ho) là 0,68. Khoảng cách di truyền xa so với trâu Lang Biang càng khẳng định giá trị đặc biệt của giống trâu này.

Năm 2021, đàn sản xuất gồm 15 con trâu cái được xây dựng. Đến năm 2022, mô hình này mở rộng với 85 con trâu cái nuôi tại các hộ dân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Trọng lượng trung bình của đàn đạt 460 kg/con, với khả năng sinh sản tốt, tỷ lệ thụ thai trên 65% sau khi áp dụng gây động dục đồng loạt.

Bên cạnh đó, ba con trâu đực giống tiêu chuẩn, với trọng lượng trưởng thành 713 kg/con, đã được tuyển chọn để khai thác và sản xuất tinh. Tới nay, đã có 9.000 liều tinh cọng rạ được sản xuất, với hoạt lực tinh trùng sau giải đông đạt trên 60%, tạo cơ sở vững chắc cho việc thụ tinh nhân tạo.

Song song với các hoạt động nghiên cứu, các lớp tập huấn kỹ thuật cũng được tổ chức cho người dân và cán bộ địa phương. Nội dung tập huấn bao gồm kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, phát hiện động dục, phòng chữa bệnh, và chế biến thức ăn. Năm 2023, hai lớp tập huấn đã thu hút 60 người tham gia, cùng một lớp đào tạo thụ tinh nhân tạo cho 10 kỹ thuật viên.

Những kết quả này không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen quý mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Trâu Thanh Chương, với những ưu thế vượt trội về khả năng sinh sản và trọng lượng lớn, xứng đáng trở thành nền tảng cho các chương trình cải tạo giống trâu ở các địa phương khác.

Trong tương lai, việc tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học sẽ giúp trâu Thanh Chương phát huy tối đa giá trị. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với một nguồn gen quý mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho người dân vùng khó khăn.

TRÍ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-nguon-gene-trau-thanh-chuong-post854248.html
Zalo