Phát triển nghề cá bền vững: Khai thác hợp pháp, có trách nhiệm
Tính đến cuối tháng 10, cả nước còn khoảng 7.000 tàu '3 không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Việc xóa các tàu cá '3 không' đang được các địa phương đẩy mạnh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để mọi ngư dân, chủ tàu đều chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt hải sản của Việt Nam, cũng như các quy định của luật pháp quốc tế, thực hiện khai thác hợp pháp, có trách nhiệm.
Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 111/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc trong tháng 11 mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động…
Xóa tàu cá “3 không”
Nhận thức rõ về lợi ích của việc chống khai thác IUU trên vùng biển của nước ta, anh Bùi Hữu Tuấn ở cảng cá Lạch Bạng, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chủ tàu thuộc diện “3 không” đã nằm bờ nhiều tháng nay cho biết: Nhận thức của ngư dân chúng tôi hiện đã rất rõ ràng. Nếu tuân thủ các điều kiện khai thác theo quy định, thủy sản khi mang về sẽ có nguồn gốc rõ ràng, được ưa chuộng và bán với giá cao, đem lại thu nhập ổn định.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc trong tháng 11 mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động…
Nếu ngành thủy sản sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU, sinh kế của ngư dân càng được bảo đảm bền vững. Những khó khăn mà những chủ tàu “3 không” đang gặp phải chỉ là những khó khăn ban đầu, nếu vượt qua, việc khai thác sẽ rất thuận lợi, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát, trợ giúp, cứu nạn.
Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã phối hợp lực lượng chức năng rà soát, tổng hợp các tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản hết hạn từ 10 ngày trở lên; tàu cá vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản vào danh sách có nguy cơ cao vi phạm quy định chống khai thác IUU. Ðến ngày 16/11, tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 55 tàu ra khỏi danh sách có nguy cơ vi phạm và thông báo danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định chống khai thác IUU.
Ngày 15/11, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động...
Ðồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá theo quy định; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Theo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, đến ngày 10/10, toàn tỉnh có 493/615 tàu cá “3 không” bổ sung giấy tờ thủ tục để đăng ký, cấp phép lại.
Qua kiểm tra, rà soát, tỉnh Hà Tĩnh có 2.156 tàu cá “3 không”, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi ngang ven biển. Hầu hết các tàu đều có chiều dài dưới 12m, công suất nhỏ, đánh bắt thủy sản gần bờ. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh và các cơ quan, địa phương vùng ven biển tập trung tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá “3 không” thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Qua thống kê sơ bộ, đến giữa tháng 11, toàn tỉnh đã cấp 1.906 giấy chứng nhận đăng ký cho tàu cá “3 không”, đạt gần 90%.
Theo Phó Chi cục trưởng thủy sản Hà Tĩnh, để xử lý triệt để tàu “3 không” và hoàn thành 100% số tàu cá đủ điều kiện được đăng ký vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đôn đốc, phối hợp UBND các huyện, thị xã ven biển, các sở, ngành liên quan tổ chức việc đăng ký, cấp phép theo đúng quy định và hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn thành các thủ tục để được đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, kẻ vẽ biển số theo quy định đối với nhóm tàu “3 không”.
Nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Trần Xuân Học cho biết, sau đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 vào tháng 10/2023 và các đợt kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ðể chung tay tháo gỡ “thẻ vàng”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HÐND tỉnh cùng các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt về chỉ đạo, điều hành, về cơ chế, chính sách và kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm.
Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 3.160 tàu thuyền khai thác thủy sản. Số tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài từ 6m trở lên) đến giữa tháng 10 là 2.878 tàu, trong đó có 2.758 tàu đã được đăng ký (đạt hơn 95%). Tỷ lệ đăng kiểm đạt 100% đối với nhóm tàu cá đang đi khai thác thuộc diện phải đăng kiểm. Kết quả thực hiện cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase đạt 100% tổng số tàu cá đăng ký.
Các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 232 đối tượng/230 phương tiện với tổng số tiền phạt 3.720,85 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng đối với 20 thuyền trưởng theo quy định, trong đó, xử phạt tàu cá mất kết nối VMS trên biển với 125 đối tượng với số tiền phạt 2.982,5 triệu đồng…
Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã cấp, gia hạn 2.174/2.238 giấy phép khai thác thủy sản, đạt hơn 97%, tăng 9,5 % so với tháng 8. Trong tổng số 2.238 tàu cá đã đăng ký, đã có 100% số tàu thực hiện việc đánh dấu tàu, kẻ vẽ biển số đúng quy định và 100% số tàu đã cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase.
Trưởng ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết, thời gian qua, Ban quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã ban hành Quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, bố trí nhân lực tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Tính từ đầu năm đến nay đã có 6.798 lượt tàu cá cập cảng và 6.995 lượt tàu cá rời cảng.
Liên quan công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức khoảng 150 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện 35 vụ/37 đối tượng/37 tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 700 triệu đồng.
Theo Phó Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Nhật, trên địa bàn tỉnh hiện không có tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, chưa phát hiện các đường dây, tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Một trong những điểm sáng lớn trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam là nỗ lực xây dựng một khuôn khổ pháp lý chống đánh bắt IUU, nhất là việc ban hành các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể. Việt Nam cũng rất tích cực mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ với các nước cùng có vấn đề về IUU trong khu vực, mà cả với những nước khác như Mỹ và Australia. Việt Nam cũng tham gia ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc tế của Liên hợp quốc liên quan đến lĩnh vực này trong khu vực Thái Bình Dương.
Hiện, thách thức lớn là làm sao vừa đáp ứng được những khuyến nghị của EC, vừa bảo đảm phát triển sinh kế ổn định cho hàng triệu ngư dân bám biển. Ðể phát triển ngành thủy sản bền vững, theo Cục trưởng Thủy sản Trần Ðình Luân, trước hết, cần minh bạch các sản phẩm thủy sản khai thác bằng cách đẩy nhanh việc triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử trong thực tế; quản lý tốt sản phẩm khai thác trong nước và nhập khẩu theo quy định; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; phải bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Ðể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, phát triển ngành thủy sản bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chống khai thác IUU cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nếu địa phương nào không có sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới, tiếp tục để xảy ra các sai phạm, không hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ.
---------------------