Phát triển ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại trong kỷ nguyên mới
Sáng 25/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay'. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về xuất bản.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, làm rõ và sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, tập trung đánh giá các kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp thiết thực vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng và đổi mới, phát triển ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lỗi lạc, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, đi vào lịch sử như: "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925) - ngay từ khi mới ra đời, đã có tiếng vang lớn trong nhân dân Pháp và nhân dân các dân tộc thuộc địa.
Cạnh đó là cuốn "Đường cách mệnh" (1927) - được công nhận là bảo vật quốc gia, đã góp phần trang bị cho nhân dân ta hệ tư tưởng mới của thời đại và đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã nhận thức rõ và phát huy hiệu quả vai trò, tầm quan trọng của xuất bản, một công cụ quan trọng để phục vụ sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội mới, đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng, giáo dục và nâng cao nhận thức chính trị của quần chúng nhân dân.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Người luôn xác định, xuất bản là một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc thức tỉnh cả dân tộc đang bị áp bức, bóc lột, dẫn dắt nhân dân đứng lên làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
“Tầm nhìn sâu sắc và những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xuất bản không chỉ thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho ngành xuất bản Việt Nam, mà còn đặt những viên gạch vững chắc, xây dựng nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, PGS, TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.
Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển, dưới dự lãnh đạo của Đảng, ngành xuất bản cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong giáo dục, khai mở tri thức, giác ngộ tư tưởng cho nhân dân và là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, ngành xuất bản tiếp tục thể hiện vai trò vai trò trọng yếu trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, vai trò nòng cốt trong việc cung cấp tri thức, đổi mới tư duy lý luận, tuyên truyền sâu rộng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Các tham luận tại hội thảo đều thống nhất khẳng định, những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản là hết sức quý báu, có giá trị đối với công cuộc xây dựng và phát triển ngành xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, việc làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản hiện còn nhiều khoảng trống cần nghiên cứu.
Qua hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, góp phần làm rõ những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, những chỉ dẫn của người trong công tác biên soạn, xuất bản sách. Đó phải là luôn quan tâm đến nội dung và hình thức tác phẩm cho khoa học, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và của cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Xuất bản phẩm không chỉ phục vụ nhiệm vụ cách mạng hiện tại mà phải góp phần định hướng cho tương lai, phải phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Xuất bản sách phải chú ý đến việc truyền thông để sách có thể tiếp cận đông đảo bạn đọc.
Các ý kiến tham luận đã phân tích, làm rõ bức tranh tổng quan của ngành xuất bản hiện nay qua các mặt, phương diện cơ bản như công tác biên tập, xuất bản, in ấn, phát hành; phân tích các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác xuất bản qua các thời kỳ, đặc biệt là những đóng góp quan trọng của ngành xuất bản trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các nhà khoa học cũng tập trung phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển ngành công nghiệp xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại. Đồng thời, đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay.
Những giải pháp tập trung vào việc phát huy vai trò của ngành xuất bản trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các xuất bản phẩm; đẩy mạnh truyền thông; coi trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành xuất bản; ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xuất bản...
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo các nhà xuất bản, trước hết phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xuất bản, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành xuất bản phát triển để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều ý kiến tâm huyết, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong hội thảo là cơ sở để các nhà xuất bản, đơn vị in, phát hành sách trên cả nước, cùng các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của ngành xuất bản.