Phát triển ngành chế biến tinh bột mì
Việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã mở ra cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển chế biến tinh bột mì, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tinh bột mì là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của các ngành thực phẩm, y tế, công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Bởi vậy, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này rất lớn, tạo thuận lợi cho các DN kinh doanh và chế biến.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi là một trong những DN hàng đầu khu vực Đông Nam Á hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến tinh bột mì với tổng doanh thu 1.800 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp có quy mô 17 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy tại Lào với tổng công suất chế biến tinh bột (gồm tinh bột mì và tinh bột mì biến tính) từ 550 - 600 nghìn tấn/năm, sản phẩm cồn từ 10 - 12 triệu lít/năm doanh thu từ 6.000 - 6.500 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD/năm.
Tại Quảng Ngãi, DN này có 4 nhà máy chế biến tinh bột mì, công suất chế biến 150 nghìn tấn tinh bột/năm (tương đương 500 nghìn tấn củ mì tươi) và 1 nhà máy sản xuất cồn với công suất 10 triệu lít/năm (tương đương 30 nghìn tấn mì lát khô). Vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến của các nhà máy trên địa bàn tỉnh có diện tích khoảng 50 nghìn héc ta.

Nhà máy Cồn và tinh bột sắn Đăk Tô, thuộc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đầu tư nâng cao công suất chế biến. Ảnh: ĐVCC
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải, từ năm 2019 đến nay, vùng nguyên liệu mì tại các xã Sơn Hà, Sơn Hạ, Sơn Kỳ... bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá, dẫn đến năng suất và chất lượng không đáp ứng nhu cầu hoạt động của 2 nhà máy tại Sơn Hà và Tịnh Phong. Do đó, những năm qua, công ty phải vận chuyển nguyên liệu củ mì tươi từ các xã Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Sa Bình, Sa Thầy, Kon Braih, Đăk Pék và phường Kon Tum...
“Sau khi 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum hợp nhất, chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn, đặc biệt là việc đầu tư mở rộng diện tích và vận chuyển nguyên liệu, cũng như tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Quảng Ngãi mới có vị trí địa lý đắc địa, giáp biên giới Lào và Campuchia, nơi có diện tích trồng mì lớn, sản lượng cao sẽ là lợi thế để DN tận dụng nguồn nguyên liệu, thúc đẩy phát triển sản xuất. Qua đó từng bước nâng cao giá trị cây mì ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh”, ông Hải chia sẻ.
Nắm bắt thị trường, tiếp sức doanh nghiệp
Tinh bột mì ngày nay không đơn thuần là lương thực, thực phẩm mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm và các ngành công nghiệp nhẹ như bánh kẹo, sợi tổng hợp, bột viên, bột biến tính, gia vị... Tiềm năng thị trường rộng mở, nhưng chi phí logistics cao là một trong những rào cản đối với ngành chế biến mì khi cạnh tranh với Thái Lan - quốc gia đang dẫn đầu về chất lượng và giá cả.
Trước thực tế này, các nhà máy thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân qua việc hỗ trợ giống, kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm để ổn định nguồn nguyên liệu. Đồng thời nỗ lực chuyển đổi cơ cấu, tập trung chế biến sâu, nhất là các sản phẩm tinh bột mì, ethanol sinh học... thay vì chỉ sản xuất mì lát khô hay tinh bột thô như trước. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột mì biến tính do công ty sản xuất là nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến mạch nha Quảng Ngãi đường mantoza, sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia của tỉnh.

Từ nguồn nguyên liệu tinh bột mì, Nhà máy Nha Quảng Ngãi chế biến thành công sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi đường mantoza, sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Ảnh: M.H
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mì lớn nhất của các DN trong nước nói chung, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi nói riêng vẫn là Trung Quốc với hơn 90% thị phần. Do đó, những thay đổi về nhu cầu và giá cả tại thị trường này đã gây tác động mạnh đến ngành sản xuất và chế biến tinh bột mì. Đơn cử niên vụ 2024 - 2025, sản lượng xuất khẩu tăng gần 15%, nhưng giá trị lại giảm 19%, dẫn đến giá mì giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, khiến DN lẫn nông dân đều gặp khó.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải, để phát triển bền vững cây mì, công ty chủ động đổi mới công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhà xưởng, kho bãi nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa khi xuất khẩu. Đồng thời triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, xử lý chất thải ngày càng hiện đại, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng kiểm soát việc mở rộng diện tích mì qua việc tuyên truyền, định hướng người dân không trồng mì ồ ạt, phá vỡ vùng quy hoạch. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các DN đảm bảo bao tiêu sản phẩm, nhằm ổn định về giá cả, đầu ra cho người trồng mì. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hồ Trọng Phương cho hay, ngành nông nghiệp đang tổ chức rà soát gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu mì tập trung, phù hợp với quy hoạch và điều kiện sản xuất, phương thức canh tác của từng vùng, địa phương. Đơn vị cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích trong các khu công nghiệp để bố trí cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến mì có nhu cầu đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.