Phát triển một số cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng

Sáng 28/6, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh 'Xây dựng mô hình phát triển một số cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng dân cư xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế' do Hội Thiên nhiên vì cuộc sống xã Phong Mỹ chủ trì thực hiện.

 Th.S Lê Nguyễn Thới Trung, Chủ nhiệm Dự án thuyết trình kết quả thực hiện nhiệm vụ

Th.S Lê Nguyễn Thới Trung, Chủ nhiệm Dự án thuyết trình kết quả thực hiện nhiệm vụ

Thành phần loài thực vật có giá trị dược liệu ở huyện Phong Điền có 526 loài, 127 họ thuộc 4 ngành thực vật bậc cao. Trong đó xác định được 28 loài dược liệu nguy cấp, quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao. Kết quả điều tra của đơn vị thực hiện dự án tại 20 tuyến đã xác định được 2.995 cây, với tần suất bắt gặp 54,15 cây/km của 4 loài: Thiên niên kiện, sâm cau lá lớn, thổ phục linh và Ba kích tím. Số lượng cá thể xuất hiện lớn nhất là sâm cau lá lớn 1.093 cây, thiên niên kiện 905 cây, ba kích tím 934 cây và thổ phục linh 63 cây được phân bố theo vị trí địa hình khác nhau.

Dự án đã xây dựng mô hình trồng 4 loài dược liệu dưới tán rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng dân cư xã Phong Mỹ. Qua đó, tỷ lệ sống của các loài: Thiên niên kiện đạt 97,6%, ba kích tím đạt 97,6%, thổ phục linh đạt 92,8% và sâm cau đạt 96%.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, việc đầu tư, phát triển 4 loài dược liệu kể trên ở địa bàn xã Phong Mỹ góp phần phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong tự nhiên và duy trì tài nguyên dược liệu đang là vấn đề cấp bách, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và bảo vệ sức khỏe, kinh tế, văn hóa của cộng đồng...

Vì vậy, việc triển khai dự án KH&CN này là cần thiết, tạo thành mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng chủ động từ nhân giống, trồng, chăm sóc các loài cây dược liệu dựa vào các cộng đồng góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức về quản lí, bảo vệ tài nguyên rừng. Ngoài ra, dự án được triển khai sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên của người tiêu dùng, thúc đẩy liên kết đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô trên địa bàn.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/phat-trien-mot-so-cay-duoc-lieu-duoi-tan-rung-tu-nhien-dua-vao-cong-dong-142457.html
Zalo