Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở tất cả các lĩnh vực; nhất là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, đã có nhiều mô hình được nhân rộng, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ mảnh đất vườn nhà bỏ hoang, anh Nguyễn Văn Bốn, xã Hoằng Lưu đã mạnh dạn nghiên cứu, đưa vào trồng thử nghiệm măng tây, loại cây trồng khá mới đối với điều kiện canh tác tại địa phương. Đang nhanh tay thu hoạch những chồi măng tươi mơn mởn, anh Bốn hào hứng chia sẻ với chúng tôi về loại cây trồng này: “Măng tây được ví như “vua của các loại rau” bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại hợp với đất cát pha... Sau khi nghiên cứu những đặc điểm của cây, tôi đã mạnh dạn đầu tư làm giàn, hệ thống tưới phun sương và nhỏ giọt dưới gốc cây, xử lý đất, bổ luống... và đưa cây giống về trồng”. Tuy măng tây là loại cây yêu cầu kỹ thuật cao nhưng chỉ cần đầu tư ban đầu mà thời gian thu hoạch lại kéo dài liên tục từ 4 đến 8 năm”. Với diện tích măng tây của gia đình, anh Bốn thu hoạch 4 vụ mỗi năm, mỗi vụ kéo dài hơn 2 tháng, giá bán 55.000 đồng/kg. Được biết, từ hiệu quả vượt trội của cây măng tây, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn các xã Hoằng Châu, Hoằng Thành, Hoằng Tân...
Bên cạnh khuyến khích người dân mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu đưa vào gieo trồng các loại cây trồng, vật nuôi mới, từ các mô hình sản xuất truyền thống, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã hướng dẫn, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao như rau an toàn, trồng dưa kim hoàng hậu, sản xuất bí đỏ, nuôi tôm sú, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng... Những mô hình này hiện đã được nhân rộng ra toàn huyện, góp phần giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với sản xuất thông thường.
Ông Chu Đình Sự, một người dân đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư mô hình nuôi tôm trong nhà màng ở xã Hoằng Ngọc cho biết: “Nếu nuôi theo hình thức truyền thống chỉ nuôi được 2 vụ/năm, nhưng khi nuôi công nghệ cao có thể nuôi tôm trái vụ, nhiều nhất là 4 vụ/năm; nhất là giá bán tôm trong vụ đông cao hơn rất nhiều so với 2 vụ chính. Tuy vốn đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật nuôi khắt khe nhưng mô hình có thể giúp người nuôi chủ động về thời vụ, hạn chế dịch bệnh nhờ vào sự kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi; đảm bảo “3 sạch” đó là tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Với hình thức nuôi này, tỷ lệ nuôi thành công đạt hơn 90%, việc nuôi trồng không bị phụ thuộc vào thời tiết, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trước khi xả ra bên ngoài giúp bảo vệ nguồn nước, môi trường xung quanh”. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng tại các xã Hoằng Lưu, Hoằng Yến, Hoằng Phong... và là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người dân.
Ông Lê Trọng Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, để khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, huyện đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang thử nghiệm các cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân".