Phát triển làng nghề truyền thống: Cần có sự quan tâm cụ thể hơn từ phía Nhà nước

Trong thời gian qua, để hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã liên kết với các nghệ nhân làng nghề tạo ra nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn để lan tỏa những sản phẩm thủ công truyền thống đến với công chúng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó chỉ là một phần nhỏ, để hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững cần có sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chức năng một cách cụ thể và sâu sát hơn nữa.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Vậy mà theo năm tháng, trước những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, các làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Du khách trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại làng Hậu Ái

Du khách trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại làng Hậu Ái

Là người đã và đang đồng hành với các làng nghề trong nhiều năm nay, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng - Phát triển sản phẩm làng nghề Việt Ngô Quý Đức cho biết: "Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng các làng nghề truyền thống vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi, hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Cùng với đó, tuy tay nghề của các nghệ nhân làng nghề rất giỏi nhưng chỉ làm theo mẫu cũ nên tính ứng dụng không cao, không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ với khách hàng, dẫn đến các mặt hàng thủ công ngày càng rơi vào thế "khó", làm ra nhưng không có thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, hiện nay, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Việc chỉ còn những nghệ nhân lớn tuổi làm nghề khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Bởi vậy, câu chuyện làng nghề hôm nay cần nhiều hơn nữa những cánh tay nối dài con đường cho nghề truyền thống".

Trước những khó khăn đó, trong nhiều năm qua, anh Ngô Quý Đức đã thực hiện dự án "Về làng" kết nối cùng với những người nghệ nhân, những người thợ thủ công tạo ra những hoạt động để lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm tưởng chừng đã bị mai một. Điểm đặc sắc của dự án là những tour du lịch đến những làng nghề truyền thống.

Du khách trải nghiệm làm tranh Đông Hồ trong tour "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc"

Du khách trải nghiệm làm tranh Đông Hồ trong tour "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc"

Anh Ngô Quý Đức chia sẻ: "Trước đây, du lịch làng nghề thường chỉ dành cho khách nước ngoài khi tới Việt Nam, song chúng tôi mong muốn chinh phục cả những du khách trong nước thông qua cách khai thác riêng, hướng đến những làng nghề hầu như chưa có dấu ấn du lịch và tìm kiếm những khách hàng mục tiêu để tối ưu hóa khả năng trải nghiệm. Đây là một hướng đi mà ít doanh nghiệp du lịch khai thác và thực hiện, vì các làng nghề không có sẵn các dịch vụ du lịch hoặc họ sẽ phải đầu tư dịch vụ đi kèm. Do đó, họ chọn an toàn hơn là chọn đầu tư vào điểm du lịch mới với chi phí lớn. Tuy nhiên, vì muốn làm một điều gì đó mới, khác lạ cũng như để giúp những người dân làng nghề nên tôi vẫn quyết tâm theo đuổi".

Qua đó, với niềm đam mê và kiên trì của mình, một số tour du lịch thuộc dự án khi triển khai đã nhận được những đánh giá tích cực từ du khách về tính mới mẻ, hấp dẫn của hành trình như: tour "Về làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ" đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội); tour "Về làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc" đưa du khách đến với làng Ðông Hồ…

"Trong quá trình đến với các làng nghề trải nghiệm, mọi người sẽ biết được để làm ra một sản phẩm thủ công cần sự cầu kỳ, tỉ mỉ và khéo tay như thế nào. Qua những chuyến đi như vậy, du khách sẽ thêm trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc" – anh Ngô Quý Đức cho biết thêm.

Cần "luật hóa" để thúc đẩy lành nghề phát triển

Tuy nhiên, theo anh Ngô Quý Đức, du lịch mới chỉ đóng góp một phần nhỏ. Để hỗ trợ các làng nghề phát triển còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nữa. Đặc biệt, các làng nghề và nghệ nhân cần có sự quan tâm của Nhà nước và các cơ quan chức năng một cách cụ thể và sâu sát hơn nữa. Đời sống của các nghệ nhân được đảm bảo cũng đang là một bài toán.

Làng nghề làm trống Đọi Tam (Hà Nam)

Làng nghề làm trống Đọi Tam (Hà Nam)

"Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… họ đã đảm bảo đời sống của các nghệ nhân một cách khá tốt. Những nghệ nhân đó chỉ cần lên ý tưởng và tự sáng tác theo sức sáng tạo của riêng mình mà không phải lo đến việc đảm bảo cuộc sống thường ngày. Nhưng đó là số lượng rất ít, còn Việt Nam thì nghệ nhân quá nhiều, làng nghề cũng nhiều. Do đó, theo tôi, chúng ta cần có sự chọn lọc và nghiên cứu nguồn gốc làng nghề, chọn những khu vực phù hợp để có những phương án bảo tồn giá trị nguồn cội" – anh Ngô Quý Đức nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, hiện nay cả nước có hơn 5000 làng nghề, trong đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề truyền thống là một những lĩnh vực "xương sống" tạo ra thu nhập cho người dân, góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có luật về làng nghề để tạo cơ hội và điều kiện cho các nghệ nhân, các làng nghề phát triển. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản,… đã có luật về làng nghề truyền thống từ rất lâu, qua đó, giúp định hướng, khai thác tối đa các nguồn lực phát triển cho đất nước. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, Việt Nam chúng ta cũng cần xây dựng và ban hành luật về làng nghề, bởi khi có luật, các nghệ nhân, các làng nghề sẽ tiếp cận được với những cơ chế chính sách ưu đãi hơn cùng với đó sẽ có những quy hoạch tổng thể, chiến lược dài hạn phát triển cho từng làng nghề, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh công bằng hơn, không có sự chồng chéo lên nhau".

"Bên cạnh việc hoàn thiện về mặt pháp lý, Nhà nước cũng cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích các nghệ nhân phát triển nghề. Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú" - GS.TS Từ Thị Loan cho biết thêm.

Nghề làm hương đen tại làng Chóa (Hà Nội)

Nghề làm hương đen tại làng Chóa (Hà Nội)

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết, việc xây dựng và ban hành luật về làng nghề là hết sức cần thiết. Khi có luật về làng nghề như là cánh cửa được mở rộng, góp phần thúc đẩy và bảo tồn sự phát triển của làng nghề. Hiệp hội Làng nghề cũng đã đưa ra vấn đề này từ lâu, bởi luật sẽ điều chỉnh được mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng với lợi ích quốc gia. Đồng thời, khi luật ra đời sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề hiện nay.

"Đặc biệt, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất cấp thiết, hiện nay nhiều người cứ thấy hay, thấy đẹp là sao chép, thậm chí đánh cắp ý tưởng, mẫu mã rồi làm nhái một cách tràn lan, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vậy nên, khi có luật, tôi nghĩ vấn đề này cũng sẽ được giải quyết triệt để hơn" - ông Trịnh Quốc Đạt nói../.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-can-co-su-quan-tam-cu-the-hon-tu-phia-nha-nuoc-20240913101828371.htm
Zalo