Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở Tây Nguyên
Trong chặng đường xây dựng và phát triển của mình, Binh đoàn 15 luôn phát huy tinh thần nội lực, chủ động vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Đây cũng chính là tiền đề, động lực để Binh đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng trong tình hình mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới...
40 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các đơn vị trên địa bàn, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng”, Binh đoàn thực hiện hiệu quả mô hình “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty, đoàn kinh tế-quốc phòng gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ người dân tộc thiểu số”. Đây là mô hình sáng tạo trong thực tiễn và là bước phát triển mới của hình thức “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo đó, các công ty, đơn vị đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; hơn 4.300 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng đến giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 trao quà tặng già làng, người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Thực hiện mục tiêu “giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng”, Binh đoàn 15 đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển các công trình trọng điểm phục vụ đời sống nhân dân như: Xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu; xây dựng trại cây giống, con giống, xây dựng chợ, trường học, trạm y tế; sắp xếp, bố trí lại các cụm dân cư. Các công ty chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động, triển khai các dự án về kinh tế, xã hội để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Gắn bó máu thịt với đồng bào Tây Nguyên từ những ngày gian khó nhất nên ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các công ty thường xuyên coi trọng công tác dân vận và an sinh xã hội. Đến nay, Binh đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng và đưa vào sinh hoạt có hiệu quả nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hỗ trợ gạo cho người dân vùng biên giới mùa giáp hạt; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát động quyên góp ủng hộ quỹ “Trái tim cho em”, “Ngày vì người nghèo” và thăm, tặng sách vở, tặng sổ tiết kiệm đối với các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu mắc bệnh hiểm nghèo...
Xác định đúng chiến lược phát triển, Binh đoàn chủ động đổi mới tư duy, tạo ra những giá trị mới trong sản xuất, kinh doanh, giúp tạo việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động; luôn đồng hành với chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Năm 2024, giá trị sản xuất của Binh đoàn là 2.950 tỷ đồng, đạt 99,74% kế hoạch; doanh thu là 2.764 tỷ đồng, đạt 101,79% kế hoạch; thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng. Từ chỗ chỉ có 5.000 lao động, 3 cụm, 21 điểm dân cư, 1.718 hộ vào năm 1990, đến nay, Binh đoàn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 15.000 lao động (trong đó có 9.330 lao động là người dân tộc thiểu số) và hàng chục nghìn người có việc làm phụ.
Các thôn, làng mới hình thành gắn với phát triển sản xuất hàng hóa không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc ổn định cuộc sống, mà còn tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những biến động nhanh chóng khó lường của an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực, khí hậu thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn phải nắm vững và vận dụng sáng tạo phương hướng, mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng theo hướng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Các công ty, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương và các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh trên địa bàn gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội địa phương.
Cùng với việc tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tạo nền tảng thực hiện nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng, cần phải coi trọng nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững, đúng hướng, đúng pháp luật.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 trao quà tặng người dân xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: THANH QUÝ
Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả sản xuất; chú trọng các biện pháp quản lý vật tư sản phẩm; huy động đủ nguồn vốn cho các nhiệm vụ; đồng thời, nắm chắc giá cả thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác trồng tái canh, xen canh, chăm sóc vườn cây, chăn nuôi bảo đảm quy trình kỹ thuật; tăng cường kiểm soát chất lượng mủ cao su đầu vào, sau chế biến; đẩy mạnh nghiên cứu, chế biến một số sản phẩm mới, phù hợp.
Nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt của Binh đoàn là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Để thực hiện điều đó, vấn đề cốt lõi là phải bố trí đủ nguồn lực và xác định đúng phương thức giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
40 năm về trước, vùng đất Tây Nguyên rộng lớn đất đai khô cằn, bạc màu. Giờ đây, vùng đất ấy đã ngút ngàn màu xanh của cà phê, cao su trải dọc theo chiều dài biên giới. Những thành quả mà Binh đoàn 15 miệt mài xây đắp nên không chỉ là làm hồi sinh những vùng đất chết, không chỉ là giúp hàng nghìn đồng bào dân tộc có cuộc sống ổn định, mà đó còn là sự kết nối tình nghĩa quân dân sâu nặng, thể hiện hình ảnh cao đẹp: Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân...