Phát triển kinh tế tuần hoàn ngành lúa gạo

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai. Với nguồn phụ phẩm dồi dào từ ngành lúa gạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.

Ngày 7/6 tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo”, thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia hàng đầu, các tổ chức quốc tế và đông đảo các doanh nghiệp (DN) liên quan đến ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của IRRI.

Ông Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của IRRI.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức. Sự kiện nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho rằng, kinh tế tuần hoàn đã hình thành trong ngành lúa gạo Việt Nam, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với khối lượng rơm cả nước trên 40 triệu tấn mỗi năm, nếu được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lợi ích to lớn cho nông dân, DN và môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thài do Bộ NN&PTNT xây dựng và chỉ đạo thực hiện là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo.

TS. Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống canh tác lúa gạo tuần hoàn và bền vững trong việc đảm bảo an ninh lương thực và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Pinto cho biết, với sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan, chúng ta có thể xây dựng một tương lai bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam và IRRI luôn đồng hành với Chính phú Việt Nam trong nỗ lực này.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn vùng ĐBSCL.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn vùng ĐBSCL.

Bà Pinto đã chia sẻ kinh nghiệm thành công của IRRI về hợp tác với các bên liên quan tại Cần Thơ. IRRI đã chứng minh lợi ích kinh tế và môi trường của việc làm phân compost từ rơm rạ bằng cơ giới, cùng với việc phát triển mô hình kinh doanh đổi mới. Đồng thời, tin tưởng rằng với những lợi thế đã được chứng minh của công nghệ này sẽ dẫn đến việc áp dụng quy mô lớn và chuyển đổi sang thực hành nông nghiệp hữu cơ tại vùng ĐBSCL trong những năm tới.

Tại hội thảo, thông qua các bài tham luận, các diễn giả đã cung cấp cái nhìn tổng quan về sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL, triển vọng sử dụng và phát triển phụ phẩm nguyên liệu và các mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ, trấu. Trong số đó, mô hình cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm của HTX New Green Farm và công nghệ đa dạng hóa sản phẩm từ phụ phẩm được đặc biệt chú trọng.

Ông Phan Văn Tâm - Phó TGĐ Công ty cổ phần phân bón Bình Điền chia sẻ, lĩnh vực sản xuất và chế biến lúa gạo đang thu hút sự quan tâm lớn từ các DN trong, ngoài nước và mong muốn có môi trường đầu tư thuận lợi với cơ chế khuyến khích, minh bạch và giảm thủ tục hành chính. Các tổ chức quốc tế như IRRI cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới và kết nối với các đối tác tiềm năng.

TS Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai. Với nguồn phụ phẩm dồi dào từ ngành lúa gạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, DN đến người nôngdân để xây dựng những mô hình thực tiễn, hiệu quả.

“Chúng ta cần tập trung vào các lĩnh vực có nhiều triển vọng như sử dụng rơm trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ từ rơm, biochar và biosilica từ trấu… Đây là những giải pháp tiềm năng giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo,đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững. Bên cạnh đó, cần có những chính sách và cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho nông dân. Với nỗ lực phối hợp của tất cả các bên, tôi tin tưởng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu về kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững”, ông Cao Đức Phát nói.

Hòa Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-nganh-lua-gao/20240608093040905
Zalo