Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng trong kỷ nguyên mới
Đây là thông điệp được Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tại cuộc gặp giữa thường trực Chính phủ và doanh nghiệp sáng nay 10/2.
DN tư nhân tham gia vào việc lớn của đất nước
Tại cuộc họp, Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…
Bày tỏ ngưỡng mộ, khâm phục, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51437694/a544a6459d0b74552d1a.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Với doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Thời gian qua, các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
![Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51437694/8b5e955fae11474f1e00.jpg)
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng trưởng 11%/năm
Cũng đánh giá cao vai trò của kinh tế, doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích.
Với quan điểm phát triển đột phá, chủ động quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển, nước ta đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về Kỷ nguyên phát triển mới và mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm", ông Dũng nhấn mạnh.
![Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_83_51437694/e7f4cdf5f6bb1fe546aa.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo ông Dũng, trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong đó, ông Dũng cho rằng phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng thường chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp: "Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phát trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; làm tốt công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội".
Đây chính là kim chỉ nam hành động cho từng doanh nghiệp để nỗ lực vươn lên, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhân đầu Xuân mới 2025. Tại đây, không chỉ cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành còn lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.