Phát triển kinh tế tư nhân gắn với kinh tế số
Kinh tế tư nhân (KTTN) và kinh tế số (KTS) là hai yếu tố không thể tách rời trong quá trình phát triển của Việt Nam.
KTTN đóng vai trò trụ cột trong nền KTS, thúc đẩy sự sáng tạo và cạnh tranh, trong khi KTS tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và quốc gia. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, Việt Nam cần vượt qua các thách thức như cải cách pháp lý, hạ tầng và quản trị doanh nghiệp, đồng thời xây dựng một môi trường phát triển đồng bộ và hiệu quả cho cả KTTN và nền KTS.
Không phải tình cờ mà chính là logic của sự phát triển khi KTTN và KTS cùng được điểm danh hàng đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. KTTN đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và sẽ tiếp tục làm trụ cột trong nền KTS nhiều thập kỷ tới. Cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh công nghệ trên nền tảng số sẽ định hình sức mạnh của mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi quốc gia trong tương lai, do đó, KTTN với động lực cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nghiễm nhiên quyết định sự thành bại của KTS.
Mối quan hệ biện chứng, hữu cơ giữa phát triển KTTN và KTS cho thấy không thể phát triển KTS nếu không khai thác và phát huy tốt tính ưu việt của KTTN, nhất là sức sáng tạo, tính linh hoạt, khả năng cạnh tranh và khát khao vươn lên. Ngược lại, KTTN cũng khó bề phát triển mạnh và bền vững nếu bỏ qua xu thế tất yếu của KTS, không thực hiện nhanh, đầy đủ và hiệu quả chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, từ đó đủ khả năng và tăng tính cạnh tranh trong sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào để tạo ra những sản phẩm hàng hóa dịch vụ đầu ra trong nền KTS không chỉ ở tầm quốc gia mà còn vươn tầm khu vực và toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM HƯNG
Kinh nghiệm quốc tế chỉ rõ chính các doanh nghiệp tư nhân với sức sáng tạo và tính năng động vượt bậc của mình đang làm chủ “cuộc chơi” KTS, dẫn dắt nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như thế giới đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Sự xuất hiện của những doanh nghiệp tư nhân trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn là minh chứng hùng hồn cho chìa khóa thành công mà KTS, cách mạng số đã, đang và sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp.
KTS cũng làm đảo lộn trật tự kinh tế toàn cầu và tạo cơ hội cho các nền kinh tế, bất kể là phát triển hay đang phát triển, nếu nắm bắt được thời cơ do KTS tạo ra. Một số doanh nghiệp, thậm chí nền kinh tế chậm chân, yếu kém khả năng cạnh tranh trong phát triển KTS, trong áp dụng các thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại nhất định sẽ tụt hậu, thậm chí phá sản. Bí quyết thành công trong nền KTS là doanh nghiệp không chỉ khai thác tốt các yếu tố đầu vào để tạo ra những sản phẩm hàng hóa dịch vụ có chất lượng cao, giá thành thấp và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao mà doanh nghiệp còn cần nỗ lực sáng tạo những công nghệ mới, nâng cao cả lượng và chất các yếu tố đầu vào của KTS.
Từ thế kỷ 19, Karl Marx đã khái quát 4 yếu tố đầu vào chủ chốt của kinh tế gồm đất đai, lao động, vốn và công nghệ. Sang thế kỷ 21, kinh tế được bổ sung yếu tố đầu vào thứ 5 chính là thông tin thông qua cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4. Theo đó, thông tin dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất quan trọng không kém so với đất đai, máy móc thiết bị hay tư bản. Hơn thế nữa và đặc biệt quan trọng, khác hẳn với 4 yếu tố sản xuất truyền thống, yếu tố thông tin dữ liệu có đặc tính vô hạn, đồng thời tương tự như hàng hóa và dịch vụ công khi việc sử dụng thông tin, dữ liệu của người này gần như không ảnh hưởng đến việc sử dụng của người khác.
Vì vậy, KTS chỉ phát triển cao độ khi và chỉ khi thị trường thông tin phát triển đồng bộ với thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn và thị trường công nghệ. Chính các chủ thể của KTTN đang và sẽ trở thành “người chơi chính” trên 5 thị trường đó trong cả vai trò người mua cũng như người bán, còn Nhà nước đóng vai trò tạo lập môi trường thuận lợi nhất để cả 5 thị trường yếu tố sản xuất đều phát triển một cách đồng bộ, lành mạnh và hiệu quả.
KTTN Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung có tận dụng được cơ hội “ngàn năm có một” hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng và quyết định nhất, từ xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách, cơ chế, cơ sở hạ tầng đến quản trị doanh nghiệp và ra quyết định kinh doanh. KTS sẽ phát triển thế nào nếu quản lý đất đai không được số hóa, nếu sở hữu và giao dịch tài sản ảo không được bảo đảm, nếu trình độ lao động không phù hợp, nếu ngân hàng số, tiền số... chậm phát triển, nếu không giải quyết được việc làm cho lao động dôi dư khi máy móc giờ đây không chỉ thay thế sức người mà còn sẽ thay thế một phần ngày càng lớn trí tuệ con người thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), nếu quản trị quốc gia không số hóa đồng bộ với quản trị doanh nghiệp, nếu việc sử dụng các công nghệ mới lại đi ngược lại lợi ích của con người, vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, an toàn...
Nhìn chung, từ xuất phát điểm còn thấp với không ít hạn chế, bất cập và rào cản cần tháo gỡ, KTTN và KTS ở nước ta đứng trước rất nhiều cơ hội rộng mở song cũng đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Chỉ có mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và nỗ lực hành động thì chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển, vươn lên ngang tầm với các cường quốc trong thời đại KTS.