Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Ngọc Lặc
Những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp bảo vệ, trồng rừng mới, từng bước hình thành các chuỗi liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Ngọc Lặc hiện có gần 23.000ha đất có rừng. Đây được xem là ưu thế để huyện phát triển nghề trồng rừng, gắn với chế biến lâm sản. Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực trồng rừng sản xuất, thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến; các chính sách về phát triển trồng rừng gỗ lớn và thâm canh, cải tạo phục tráng rừng luồng. Đồng thời, huyện thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đã phục tráng được 300ha luồng ở các xã Vân Am, Thúy Sơn, Thạch Lập; trồng mới được 400ha keo. Huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc, phát triển rừng; kỹ thuật về phục tráng, thâm canh rừng luồng. Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp của các cơ sở, vườn ươm giống trên địa bàn. Quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến lâm sản; thực hiện có hiệu quả việc liên doanh, liên kết giữa cơ sở chế biến với người trồng rừng. Khuyến khích người dân đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất chu kỳ dài và cải tạo chuyển đổi diện tích rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 11.000ha keo, 5.000ha luồng, mỗi năm người dân trong huyện khai thác 6,6 triệu cây luồng, trên 3.000ha keo. Theo tính toán, 1ha keo có chu kỳ từ 5 - 7 năm cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng; chu kỳ 10 năm, cho thu nhập 110 triệu đồng. Năm 2024, giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 238 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng sản xuất là gỗ nhỏ, chủ yếu bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC còn ít... Hiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc mới có 1 doanh nghiệp chế biến lâm sản, nhưng quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là ván bóc và băm dăm xuất khẩu, chưa có sản phẩm chế biến sâu, còn lại hầu hết là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ...
Để nâng cao giá trị từ rừng, huyện Ngọc Lặc đang đẩy mạnh công tác khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng sản xuất, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, gắn với khai thác, chế biến. Tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng trồng các giống mới có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Xây dựng vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn để thúc đẩy chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư liên kết trồng rừng, khai thác rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản, đặc biệt là lâm sản chế biến sâu, có dây chuyền sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, gắn với bảo về môi trường liên kết với HTX, chủ rừng để nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng...