Phát triển khoa học, công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Đó là mục tiêu chung được UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 31/KH-UBND thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng,chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Ít nhất 10% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tổn thất sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giảm 0,5-1%/năm.
![Mục tiêu đến năm 2030, tổn thất sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giảm 0,5-1%/năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_415_51408194/e1798d6ab2245b7a0235.jpg)
Mục tiêu đến năm 2030, tổn thất sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giảm 0,5-1%/năm.
Đến năm 2030, trong lĩnh vực trồng trọt, ít nhất 50% phụ phẩm của các sản phẩm chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng.Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản 60% hộ dân và 100% trang trại quy mô lớn áp dụng công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng.Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ít nhất 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc sản phẩm từ gỗ như gỗ ván nhân tạo.
Phấn đấu 100% cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 80% trang trại hỗn hợp và ít nhất 50% hợp tác xã được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Cụ thể bao gồm: Ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn; phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn; truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Trong đó đáng chú ý, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn bao gồm: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển thị trường cho sản phẩm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp như: Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức hội chợ, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang thông tin điện tử để giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc từ ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tích hợp đa giá trị về môi trường, phát thải thấp gắn với sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
Đồng thời liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân tại các vùng sản xuất tập trung tạo nên chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các mô hình kinh tế tuần hoàn.