Phát triển hợp tác xã, đẩy mạnh giảm nghèo ở Lai Châu
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với những nỗ lực phát triển HTX, công tác giảm nghèo của Lai Châu đã đạt nhiều kết quả.

Phát triển hợp tác xã, đẩy mạnh giảm nghèo ở Lai Châu
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương, với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Lai Châu là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh còn 20.961 hộ nghèo (chiếm 19,46%), 10.053 hộ cận nghèo (chiếm 9,33%). Tổng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là 28,79%.
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đem lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Các chương trình giảm nghèo trọng điểm được triển khai đồng bộ, giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 4,42%.
Trong đó, phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX), hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp được chú trọng đặc biệt. Bởi, HTX chính là nơi quy tụ người dân cùng sản xuất kinh doanh, tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi (đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ vốn,...) khi người dân gặp khó khăn do thiên tại, dịch bệnh.
Để các HTX phát triển ổn định, hỗ trợ giảm nghèo, ngoài chính sách tổng thể, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam tổ chức khảo sát, xây dựng và đề xuất 5 HTX tham gia dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do Liên minh HTX Việt Nam triển khai.
Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn, giảm nghèo thông tin cũng được tỉnh xác định là khâu quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy phát triển bền vững từ việc nâng cao dân trí, nhận thức và tư duy phát triển kinh tế cho người dân.
Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho thành viên HTX, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân vượt qua những khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức ứng dụng công nghệ và kỹ năng thương mại điện tử cho các HTX tại tỉnh Lai Châu
Nhờ những hoạt động thiết thực này, không ít HTX đã phát huy được vai trò tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Năng lực nội tại của các HTX được tăng cường, hoạt động của các HTX phong phú đa dạng, số HTX làm ăn hiệu quả tăng, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ, qua đó nâng cao năng suất, thu nhập của các thành viên HTX, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của tỉnh Lai Châu.
Riêng khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đã tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 10.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo của Lai Châu vì vậy cũng được kéo giảm. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình 3,4%/năm, huyện nghèo giảm bình quân 4,7%, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 23,88%. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng.
Điển hình như huyện Nậm Nhùn, từng là vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tương đối cao. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh mô hình tập thể, đến nay, huyện đã có khoảng 30 mô hình HTX.
Đặc biệt, các HTX trên địa bàn chính là nơi để huyện tổ chức và hỗ trợ người dân về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật để đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình mô hình kinh tế hàng hóa một cách hiệu quả.