Phát triển hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Sức khỏe là vốn quý, đầu tư bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, ngành y tế đã nỗ lực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Hệ thống khám, chữa bệnh đã được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, phù hợp yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân ở tất cả các tuyến. Hiện Thanh Hóa đã đạt 37,5 giường/1 vạn dân, 12.67 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 85,7%... Trong đó, hệ thống y tế công lập có 13 bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực, 25 bệnh viện tuyến huyện, 4 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 27 trung tâm y tế tuyến huyện, 558 trạm y tế xã với 12.560 giường bệnh công lập, 14.854 công chức, viên chức, người lao động. Hệ thống y tế tư nhân có 1.785 cơ sở khám chữa bệnh với 20 bệnh viện, 1.765 cơ sở khám chữa bệnh đa khoa và chuyên khoa; 4.283 cơ sở kinh doanh dược. Các bệnh viện tư nhân hiện có 4.021 giường bệnh nội trú (chiếm 24,2% tổng số giường bệnh toàn tỉnh, thuộc nhóm cao nhất cả nước), với gần 4.000 nhân viên y tế. Các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh như đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, cải tạo khuôn viên, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, tổ chức kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật của bệnh viện; triển khai 5S, triển khai mô hình giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, tham gia hội chẩn khám chữa bệnh với tuyến trên và tuyến dưới...

Tại tuyến tỉnh đã triển khai một số kỹ thuật tiêu biểu: Đặt catheter hai nòng có cuff, tạo đường hầm để lọc máu; Phẫu thuật TaTME trong điều trị ung thư trực tràng thấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Phẫu thuật nội soi não úng thủy bằng phương pháp nội soi ống mềm; Phẫu thuật nội soi cắt nang thận; Xét nghiệm phát hiện đột biến gen bệnh thiếu hụt men G6PD tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn để lại 2 phần phụ; Phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn và cắt 2 phần phụ tại Bệnh viện Ung bướu... Tại tuyến huyện đã triển khai một số kỹ thuật tiêu biểu: Phẫu thuật thay khớp háng bán phần tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Thủy; Phẫu thuật nội soi cắt túi mật, Phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn và vét hạch chậu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân... Nhờ đó, người dân ngày càng tiếp cận đa dạng các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và giảm tình trạng chuyển tuyến.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân thao tác đăng ký khám bệnh qua kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân thao tác đăng ký khám bệnh qua kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Xác định con người là nhân tố cơ bản, đóng vai trò quan trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tỉnh Thanh Hóa đã có chính sách thu hút nhân lực trình độ cao cho ngành y tế. Thực hiện Nghị quyết số 188/2021/NQ-HĐND, có 42 bác sĩ nội trú đã được thu hút hiện là giảng viên của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội vừa tham gia giảng dạy, vừa tham gia khám, điều trị tại 12 bệnh viện tuyến tỉnh; 16 bác sĩ mới tốt nghiệp bác sĩ nội trú và 27 bác sĩ nội trú đang đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội, cam kết sẽ về làm việc tại phân hiệu sau khi tốt nghiệp. Thu hút 11 bác sĩ về công tác tại cơ sở y tế công lập trong tỉnh (trong đó có 2 bác sĩ về làm việc tại trạm y tế); rà soát, cử 5 bác sĩ tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa I theo Dự án 585 của Bộ Y tế".

Cùng với đó, giai đoạn 2021-2024 Thanh Hóa đã huy động 4.920 tỷ đồng để phát triển hạ tầng y tế (đạt 64,6% so với nhu cầu thực hiện là 7.615 tỷ đồng). Trong đó khoảng 4.200 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập. Đến nay có 9 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đang triển khai thực hiện và 6 dự án chuẩn bị đầu tư. Ngành đang tiếp tục đầu tư nâng cấp Bệnh viện Mắt, Ung bướu, Nội tiết đạt tiêu chí bệnh viện hạng I vào năm 2025 và 2026. Xây dựng kế hoạch hoàn thiện các tiêu chí để Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đạt và giữ vững tiêu chuẩn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, cấp chuyên sâu kỹ thuật cao, trở thành bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ và đạt tiêu chí trở thành bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế.

Ngành y tế đang đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại và bền vững; thực hiện tốt chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, xây dựng chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có đãi ngộ tốt hơn cho trạm y tế. Tất cả các giải pháp của ngành đang hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống y tế hiện đại và bền vững; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền; thúc đẩy phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu; phát triển nhanh các dịch vụ y tế chất lượng cao, xã hội hóa một số bệnh viện, dịch vụ chất lượng cao, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung bộ.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-trien-he-thong-y-te-hien-dai-dap-ung-nhu-cau-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-235360.htm
Zalo