Phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, phát triển nông nghiệp bền vững

Những năm qua, tỉnh Long An không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp bền vững.

Tỉnh Long An đã không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi

Tỉnh Long An đã không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến nay, toàn tỉnh có 5.452 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho hơn 301.145ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cấp tỉnh quản lý 393 công trình, cấp huyện quản lý 5.059 công trình.

Ngoài ra, các công trình thủy lợi quan trọng như hệ thống Dầu Tiếng – Phước Hòa và kênh Đồng Tiến – Lagrange liên tỉnh Đồng Tháp – Long An do Bộ Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp quản lý.

Hiện nay, mạng lưới kênh, mương trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 9.911km, bao gồm 399km kênh trục chính, hơn 4.813km kênh cấp I, hơn 3.744km kênh cấp II và hơn 954,5km kênh nội đồng. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn nước, tưới tiêu, chống hạn và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 873 cống tưới tiêu, 282km đê bao chống xâm nhập mặn, ngăn lũ và triều cường, cùng 240 trạm bơm điện. Nhờ hệ thống thủy lợi phát triển đồng bộ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chủ động tưới tiêu đạt hơn 90%.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, nhờ chú trọng đầu tư phát triển thủy lợi, đến nay, toàn tỉnh có 160/160 xã (đạt 100%) hoàn thành tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Trong đó, có 137/160 xã (85,6%) đạt tiêu chí này theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, cả 13 huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành tiêu chí này theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới.

Việc hoàn thành tiêu chí thủy lợi không chỉ giúp nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai mà còn tạo nền tảng quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.

Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2024-2025, gần đây, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành khảo sát, đánh giá thực trạng hệ thống thủy lợi và triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo đánh giá, các công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư, nâng cấp nhằm tăng khả năng trữ nước, ngăn mặn và điều tiết nước hiệu quả. Tỉnh cũng triển khai nạo vét kênh, mương, kiểm tra độ mặn thường xuyên, cập nhật thông tin dự báo thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, các địa phương chủ động khoanh vùng, lập kế hoạch đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm, trữ nước khi cần thiết. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tranh thủ lấy nước ngọt khi độ mặn giảm, tránh tình trạng thiếu nước khi các cống phải đóng ngăn mặn.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, cống đầu mối được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng.

Toàn tỉnh hiện có 240 trạm bơm điện phục vụ sản xuất

Toàn tỉnh hiện có 240 trạm bơm điện phục vụ sản xuất

Những kết quả đạt được trong phát triển hệ thống thủy lợi là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Long An trong việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Việc đầu tư đồng bộ, hiệu quả vào hạ tầng thủy lợi đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động các nguồn vốn để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, bảo đảm cung cấp nguồn nước ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của nhân dân./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-trien-he-thong-thuy-loi-dong-bo-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-a192458.html
Zalo