Phát triển hệ thống đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững
Việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước...
Ngày 22/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết quá trình triển khai thực hiện Luật Đường sắt 2017 đã đạt được một số kết quả cụ thể như: xác định rõ các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt; trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt...
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; đồng thời, các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017 về đầu tư xây dựng đường sắt vùng, đường sắt nội tỉnh; khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt; phân loại ga đường sắt…
Vì vậy, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ mối quan hệ, sự phù hợp của Quy hoạch mạng lưới đường sắt với các Quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng…), các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác (Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Về công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, hiện dự thảo Luật quy định công trình này bao gồm: hệ thống cấp điện từ lưới điện cho công trình đường sắt; hệ thống cấp, thoát nước đấu nối với công trình đường sắt; đường bộ vào ga đường sắt.
Tuy nhiên, theo Luật Điện lực, Luật Xây dựng và Luật Giao thông đường bộ, công trình lưới điện là một loại công trình điện lực, công trình đường bộ là một loại công trình giao thông đường bộ, còn công trình hạ tầng kỹ thuật là một loại công trình khác không phải 2 loại trên.
Vì vậy, để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh cụm từ “công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối” thành “hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối”.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết điểm b khoản 1 Mục I Điều 1 Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 quy định: các chính sách thuế, phí và lệ phí (gọi chung là thuế) chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước cũng như các mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Vì vậy, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bỏ các quy định liên quan đến thuế tại dự thảo Luật.
Trường hợp cần bổ sung quy định chính sách thuế đối với lĩnh vực đường sắt thì đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có ý kiến gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật thuế trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế theo thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá dự thảo Luật có sử dụng nhiều thuật ngữ mang tính chất chuyên ngành như: nút giao đồng mức, nút giao khác mức, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt địa phương, đường sắt vùng ... ; vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung các thuật ngữ trên vào Điều 3 "Giải thích từ ngữ”.
Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.