Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân

Hà Nội có trên 78.000 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, hơn 4 triệu người lao động, hơn 8.000 đối tượng bảo trợ xã hội, người nghiện ma túy đang được quản lý, điều trị tại các trung tâm. Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số chính sách đặc thù về an sinh xã hội. Đây là tiền đề để Hà Nội kịp thời triển khai hỗ trợ người dân, nhất là người già, người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó từng bước phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang

Cơ chế vượt trội trong chính sách an sinh xã hội

Trong Luật Thủ đô 2024, chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội quy định tại Điều 27; điểm đ khoản 1, 4 Điều 43. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra chủ trương: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu”.

Thể chế hóa chủ trương này, Luật Thủ đô 2024 đã quy định “Xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, nước sạch, nhà ở xã hội, tiếp cận thông tin” (khoản 1 Điều 27).

Luật Thủ đô 2024 quy định một số chính sách đặc thù về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Cụ thể, về chính sách xã hội: Luật giao quyền cho HĐND TP quy định việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đối tượng cần hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp trong trường hợp không bố trí được đất sản xuất (khoản 2 Điều 27).

Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội: Luật giao quyền cho Hội đồng Nhân dân TP quy định đối tượng và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đối tượng khác, bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, hỗ trợ đối với các đối tượng khác theo mức cao hơn hoặc hỗ trợ cho đối tượng chưa được quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi trên địa bàn TP (khoản 3 Điều 27).

Đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của TP nhằm góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi, cần thiết và phù hợp với bối cảnh khi TP Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.

Luật giao HĐND TP quy định rõ đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của TP; từng bước mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng và bố trí ngân sách phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách TP (khoản 4 Điều 27).

Áp dụng ưu đãi đầu tư: ưu đãi đầu tư đối với tổ chức, cá nhân có các dự án đầu tư vào cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm huy động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Quy định tiền ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, phát triển các mô hình mới về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và tiền khuyến khích, động viên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy được tính là chi phí hợp pháp của doanh nghiệp khi hạch toán và được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với cá nhân cư trú tại TP (khoản 4 Điều 43).

“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Năm 2025, mặc dù đang tập trung thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy hành chính nhưng TP Hà Nội vẫn chủ động và tập trung cao độ trong triển khai các chính sách an sinh xã hội, tuyên truyền thực thi Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó, các chính sách như trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm vừa qua tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Toàn TP có trên 203.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được chi trả đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch.

Đặc biệt, thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, TP đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 1 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 "xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đã đề xuất hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho một số nhóm người từ ngày 1/1/2026. Theo đó, người đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, người khuyết tật nhẹ, người dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và người thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình ở Thủ đô thuộc diện đề xuất hỗ trợ. Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm 70% mức đóng nếu thuộc hộ nghèo, thêm 75% nếu thuộc hộ cận nghèo và thêm 20% nếu thuộc nhóm khác...

Đồng thời, đề xuất hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế trong vòng 36 tháng cho các thành viên thoát nghèo, cận nghèo (tính từ lúc được công nhận). Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi không thuộc diện tham gia bắt buộc và chưa có thẻ bảo hiểm y tế, hay người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế (trừ trẻ dưới 16 tuổi), người dân tộc thiểu số thuộc nhóm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc (chưa có thẻ) cũng được hỗ trợ 100%. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chuẩn của Hà Nội, song chưa có thẻ bảo hiểm y tế, đang học ở Thủ đô (cả công lập và ngoài công lập), được hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế.

Các chính sách kể trên nếu được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Dự kiến có khoảng 614.000 người được thụ hưởng, tổng kinh phí gần 709 tỷ đồng, qua đó giúp chất lượng công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP được nâng lên, thực hiện một cách triệt để hơn phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá Luật Thủ đô 2024 đã có những bước đột phá, tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển. Bên cạnh đó, Luật cũng đã phân cấp một cách triệt để để quản trị Thủ đô được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Hà Nội luôn quan tâm đến chính sách an ninh xã hội, quan tâm đến chất lượng cuộc sống không chỉ những người có hộ khẩu thường trú ở Thủ đô mà cả các cư dân ở địa phương khác đến sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Luật Thủ đô 2024 được triển khai là điều kiện để chính sách an sinh xã hội được cải thiện hơn, thực hiện một cách triệt để hơn, đúng với khẩu hiệu "không ai bị bỏ lại phía sau".

PGS.TS Bùi Thị An cũng kỳ vọng tới đây Thủ đô phát triển bứt phá, TP phát triển theo kinh tế xanh, an sinh xã hội sẽ được nâng lên. Trong đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập, hạ tầng xã hội khác sẽ được tốt lên và người dân sẽ được hưởng lợi.

Lê Mận

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-trien-he-thong-an-sinh-xa-hoi-toan-dien-bao-phu-toan-dan-416701.html
Zalo