Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin

Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với những yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng viễn thông, CNTT không ngừng được cải thiện nhằm tăng tốc độ truy nhập, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh, bảo đảm an toàn thông tin.

Nhân viên Chi nhánh công trình Viettel Hưng Yên (Tổng Công ty cổ phần công trình Viettel) kiểm tra hệ thống mạng cáp quang tại huyện Văn Lâm

Nhân viên Chi nhánh công trình Viettel Hưng Yên (Tổng Công ty cổ phần công trình Viettel) kiểm tra hệ thống mạng cáp quang tại huyện Văn Lâm

Hiện nay, các thông số về hạ tầng viễn thông, CNTT của tỉnh cơ bản đạt mức cao hơn trung bình cả nước. Trong đó, sóng thông tin di động 3G, 4G phủ sóng 100% khu dân cư, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang thử nghiệm phát sóng 5G tại một số khu vực của huyện Văn Giang, thị xã Mỹ Hào, thành phố Hưng Yên; hệ thống mạng internet cáp quang cũng được phủ tới 100% các thôn, tổ dân phố. Nhờ hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ, không ngừng cải tiến theo hướng hiện đại đã giúp hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên môi trường số diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn. Hiện nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng hiệu quả hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối internet băng thông rộng và kết nối mạng truyền dữ liệu chuyên dùng cấp II trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ở tỉnh với 191 điểm kết nối.

Với nền tảng của hạ tầng viễn thông, CNTT, các đường truyền cung cấp dịch vụ, sử dụng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến và hệ thống mạng diện rộng WAN hoạt động trên mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh (quản lý văn bản và điều hành, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử tỉnh,...). Tỉ lệ máy tính trang bị cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt khoảng 80%; tỉ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng internet đạt 100%...

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông, CNTT, trong những năm qua, thành phố Hưng Yên luôn quan tâm đầu tư và đẩy mạnh khai thác hạ tầng, nền tảng số phục vụ hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. UBND thành phố Hưng Yên hiện nay có 2 máy chủ, trong đó, 1 máy chủ hoạt động phục vụ quản trị và tra cứu thông tin, 1 máy chủ phục vụ quản trị, vận hành hệ thống Tabmis và 86 máy trạm được kết nối mạng LAN và internet. Tỉ lệ máy tính trên cán bộ, công chức trung bình đạt 1 người/máy. Để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, UBND thành phố triển khai hệ thống tường lửa Fortigate trong mạng nội bộ, đồng thời cài đặt các phần mềm diệt vi rút, chống mã độc tập trung cho hệ thống máy tính của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Hiện nay, 100% máy tính của UBND thành phố đã được cài đặt phần mềm diệt vi rút, trong đó, 95% sử dụng phần mềm diệt vi rút bản quyền. Đồng chí Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh vào năm 2025, thành phố tập trung nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu đề ra. Đến nay, mạng internet có thể kết nối đến 100% số hộ dân, mạng 3G, 4G phủ sóng 100% địa bàn giúp truy cập internet dễ dàng với tốc độ cao. Hoạt động của chính quyền các cấp cũng được chuyển đổi lên môi trường số nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Viettel Hưng Yên, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát điều hành thông minh, đặt tại trụ sở HĐND - UBND thành phố với nhiều chức năng tiện ích như: Trung tâm giám sát và điều hành giao thông, Trung tâm giám sát điều hành an ninh công cộng, Trung tâm giám sát phản ánh hiện trường…

Để phát triển kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, CNTT phải đi trước một bước. Việc phát triển cần hướng đến xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số theo hướng kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng viễn thông, CNTT trong tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân nhưng để bảo đảm dòng chảy dữ liệu liên tục, thông suốt, tốc độ cao giữa các thực thể trong nền kinh tế số, xã hội số đòi hỏi hạ tầng số phải thường xuyên được nâng cấp, cải tiến. Các doanh nghiệp viễn thông, CNTT trong tỉnh thường xuyên nâng cấp, cải tạo hạ tầng viễn thông, bằng nguồn lực và thế mạnh về công nghệ, một số doanh nghiệp như: VNPT Hưng Yên, Viettel Hưng Yên… đang tích cực phối hợp với tỉnh và các địa phương xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính quyền điện tử.

Đồng chí Đỗ Đình Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế nhằm huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực. Cùng với đó, sở đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, bố trí nguồn lực thực hiện nâng cấp, chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT gồm: mạng WAN, mạng LAN, trang thiết bị máy tính phục vụ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cấp các hệ thống phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ hoạt động của chính quyền điện tử, chính quyền số. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục chuyển đổi địa chỉ IPv6 cho các hệ thống của tỉnh; phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng dừng phát sóng 2G, giảm tối đa trạm 3G, tăng trạm 4G và đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng 5G.

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/phat-trien-ha-tang-vien-thong-cong-nghe-thong-tin-3174545.html
Zalo