Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn
Với phương châm
Với phương châm "giao thông đi trước một bước”, tỉnh Hòa Bình đã ưu tiên nguồn vốn, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tạo thuận lợi đi lại, giao thương hàng hóa và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển.
Sau khi sáp nhập từ 3 xã, trong đó có 2 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã Kim Lập (Kim Bôi) đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị xã nỗ lực vào cuộc, nhân dân đồng lòng, hưởng ứng, cuối năm 2024, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được xét công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đồng chí Bùi Đăng Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lập cho biết: Sau sáp nhập, Kim Lập có địa bàn rộng, mở rộng thêm nhiều xóm, vì vậy, tiêu chí giao thông nông thôn có thể nói là một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, với sự đầu tư của tỉnh, huyện, trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng của xã cơ bản hoàn thành theo quy định. Đến nay, toàn bộ 1,3km tuyến đường xã được nhựa hóa; hơn 25km tuyến đường trục thôn, xóm, liên thôn được bê tông hóa, đạt 96%; trên 17km đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa.
Hiện toàn tỉnh có 96/129 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng xã NTM. Xác định được tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông, những năm qua, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đầu tư mở mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối vùng ở các huyện vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi để các huyện khai thác quỹ đất, kết nối giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Bùi Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Năm 2024, từ nhiều chương trình, đề án, dự án, toàn tỉnh đã huy động được 1.344,340 tỷ đồng để thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa (bao gồm cả làm mới, cải tạo, nâng cấp đường) cho 310 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, các huyện, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư của nhà nước, như vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hạ tầng giao thông, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn. Đồng thời, các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, hiến đất mở đường để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi đi lại.
Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu, vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, đảm bảo kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.
Đến nay, mạng lưới tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 540km, chiếm 4,91%; đường đô thị, nội thị trên 368km, chiếm 3,35%; đường huyện trên 711km, chiếm 6,47%; đường nông thôn 8.870km, chiếm 80,55%; còn lại là đường chuyên dùng. Đối với đường nông thôn, loại đường có kết cấu mặt đường bê tông xi măng hơn 5.432km. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê tông xi măng và nhựa đạt trên 53%, mặt đường đất, cấp phối giảm, đường trục xã, liên xã được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa.
Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Thị Hòa Bình, để mạng lưới hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian tới, ngành GTVT, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương theo Nghị quyết HĐND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm của địa phương. Phối hợp các sở, ngành, chính quyền huyện, thành phố rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường thuộc khu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng mới các tuyến đường giao thông nông thôn bằng cách lồng ghép vào chương trình nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.