Phát triển du lịch trở thành ngành đi đầu trong kỷ nguyên mới

Trong lịch sử phát triển của ngành du lịch, Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 đã tạo ra chủ trương to lớn, có ý nghĩa đột phá, tạo sự chuyển biến rất mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 của Bộ VHTTDL. Ảnh: ST

Quang cảnh Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 của Bộ VHTTDL. Ảnh: ST

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017, Du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã và đang được định hình.

Đến nay, du lịch là điểm sáng trong phát triển KT-XH của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành này đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành và tính xã hội hóa cao, sự phát triển của du lịch thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Du lịch góp phần tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cộng đồng sinh sống tại các khu du lịch, điểm du lịch và đồng bào sinh sống tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tham gia làm du lịch cộng đồng với nhiều hình thức.

Ngoài ra, du lịch cũng có vị trí, vai trò quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch sinh thái, hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường sẽ góp phần tích cực giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí là một ngành kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường, sự tham gia, vào cuộc của nhiều ngành, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự huy động nguồn lực của xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của các, cấp các ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhiều địa phương có tiềm năng dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển hoặc không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.

Mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu; phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.

Đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững; đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm; đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 là những chủ trương, định hướng rất quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với phát triển du lịch. Nghị quyết số 08- NQ/TW có ý nghĩa đột phá, tạo sự chuyển biến rất mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, làm thay đổi nhận thức và nâng cao vị thế của du lịch.

"Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình và ngành du lịch có đủ cơ sở, điều kiện để trở thành một trong những ngành đi đầu trong kỷ nguyên mới" - Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh./.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-di-dau-trong-ky-nguyen-moi-37261.html
Zalo