Phát triển du lịch ở xã vùng cao mang lại 'lợi ích kép'

Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng những nét văn hóa đặc sắc trong dân cư, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được ví như một 'Sa Pa thu nhỏ'. Những năm gần đây, người dân địa phương đang khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch, thu hút khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ đó, nhiều người ở xã vùng cao có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Trung tâm xã Mường Lống trong ánh nắng của bình minh. Ảnh: Viết Lam

Trung tâm xã Mường Lống trong ánh nắng của bình minh. Ảnh: Viết Lam

Những ngày đầu tháng 3/2025, tuyến đường từ trung tâm huyện Kỳ Sơn vào xã Mường Lống đẹp như tranh vẽ, cây cối đâm chồi, nảy lộc, một số bản làng mây trắng bao phủ. Từ đỉnh núi cao nhìn xuống, trung tâm xã vùng cao nằm giữa một thung lũng bằng phẳng, xung quanh có núi bao quanh. Theo khảo sát, Mường Lống có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Chính vì thế, khi đến với vùng đất xa xôi này, trong một ngày, du khách có thể cảm nhận được thời tiết đặc trưng của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Đặc biệt, vào mùa hè “đổ lửa” tại Nghệ An, thì Mường Lống vẫn luôn mát mẻ, dễ chịu.

Người dân ở Mường Lống cũng rất cần cù lao động, trong những khu vườn của các hộ gia đình luôn đầy rau xanh, các loại củ quả. Trong ăn uống, bà con còn tạo ra những món đặc sản như gà đen, bò giàng, măng núi, lợn đen, rượu ngô... Bên cạnh đó, bà con còn gìn giữ rất tốt nét văn hóa đan, thêu những bộ quần áo, váy đầy sắc màu, cùng những điệu múa say đắm lòng người.

Vườn mận của gia đình đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống vào mùa hoa nở. Ảnh: Sách Nguyễn

Vườn mận của gia đình đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống vào mùa hoa nở. Ảnh: Sách Nguyễn

Nhận thấy những tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, một số cá nhân từ nơi khác đến "bắt tay" với người dân địa phương đầu tư để phát triển du lịch bằng các hình thức khác nhau như khu nghỉ dưỡng, homestay. Trong số đó phải kể đến trường hợp ông Nguyễn Duy Linh, thành phố Vinh đã đầu tư số tiền lớn để xây dựng khu lưu trú, nghỉ dưỡng Mường Lống Eco Garden, có thể phục vụ hàng trăm du khách. Một điều rất đáng ghi nhận, toàn bộ 12 cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở du lịch trên đều là con em đồng bào dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại địa phương. Tất cả những bạn trẻ trên được ông Nguyễn Duy Linh tuyển chọn, mời chuyên gia lĩnh vực phục vụ du lịch về xã vùng cao của Nghệ An đào tạo, bồi dưỡng, nhận vào làm việc với mức lương phù hợp với từng vị trí khác nhau.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, ngành Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, chị Lầu Y Vị, dân tộc Mông, xã Mường Lống trở về quê làm việc tại Mường Lống Eco Garden với niềm vui lớn. Khi được hỏi, chị Lầu Y Vị chia sẻ:“ Mặc dù công việc trái ngành học, nhưng được làm việc nơi mình sinh ra và lớn lên, góp sức thay đổi quê hương, cảm giác rất hạnh phúc. Không chỉ cá nhân em, ở đây còn có 2 bạn khác cũng có trình độ đại học đang làm việc”.

Cùng với khu nghỉ dưỡng của gia đình, ông Nguyễn Duy Linh còn khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương mở homestay đón, phục vụ khách du lịch. Cho đến nay, có 5 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống thường xuyên đón khách du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng. “Tôi cũng đã đi nhiều nơi, nhận thấy Mường Lống có nhiều tiềm năng nên đã quyết định đầu tư xây khu nghỉ dưỡng ở đây. Nhưng để phát triển, thu hút khách thì cần xây dựng được cộng đồng, bản làng làm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng” - ông Nguyễn Duy Linh cho biết.

Chị Lầu Y Vị trong vai trò lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Mường Lống Eco Garden. Ảnh: Viết Lam

Chị Lầu Y Vị trong vai trò lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Mường Lống Eco Garden. Ảnh: Viết Lam

Dù chỉ mới hình thành, nhưng việc đón khách du lịch tham quan, lưu trú đã mang lại cho xã vùng cao tỉnh Nghệ An nhiều hi vọng về sự khởi sắc. Nói về vấn đề này, ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: “Những năm gần đây, việc phát triển du lịch đã giúp giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ nông sản cho chính bà con trong xã. Người dân địa phương rất hào hứng, chủ động trồng đào, mận, cây xanh, tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, luyện tập văn hóa, văn nghệ để đón khách”.

Nhờ những thế mạnh về thiên nhiên, Mường Lống đang bước đầu thu hút, đón được khách du lịch từ nơi khác đến. Thế nhưng thực tế cho thấy, để “giữ” được khách, nhân dân xã vùng cao mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, trong đó, ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, đường giao thông...

Ông Lầu Bá Tu, chủ của một homestay tại xã Mường Lống chia sẻ: “Dù được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, thời tiết, nhưng địa phương chúng tôi cũng gặp nhiều bất lợi như cách xa trung tâm tỉnh, giao thông đi lại khó khăn. Có thể thấy, Mường Lống có nhiều thế mạnh, nhưng chưa được “đánh thức” nên khi du khách đến vẫn còn quá ít điểm tham quan. Trên địa bàn có những cảnh quan rất đẹp như thác Rồng, đỉnh núi Tây nhưng chưa có đường giao thông đến tận nơi. Khi có đường giao thông thuận lợi, đây sẽ là những điểm tuyệt đẹp để du khách trải nghiệm”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-du-lich-o-xa-vung-cao-mang-lai-loi-ich-kep-post488073.html
Zalo