Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tài nguyên văn hóa bản địa để phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời góp phần bảo tồn, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Du khách hòa mình vào các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc vùng hồ Ba Bể. (Ảnh: Thu Trang)

Dựa trên tài nguyên văn hóa, nhiều địa phương trên cả nước như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Kon Tum, Đắk Lắk… đã xây dựng các đề án, dự án phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 6), Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Thực tiễn cho thấy, sự kết hợp này đã mang lại lợi ích kép, đó là góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân… và quan trọng hơn là góp phần giữ gìn, phục hồi nhiều di sản văn hóa có nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng tại một số nơi cũng đang bộc lộ những bất cập cần sớm giải quyết. Chẳng hạn, với tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định nhà ở nông thôn phải bảo đảm “ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Tiêu chí này được cho là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó bao gồm kiến trúc nhà ở truyền thống.

Được khai thác dựa trên những đặc trưng riêng của văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng đã giúp nhiều địa phương định vị được thương hiệu điểm đến hấp dẫn. Điểm nhấn là sử dụng nếp nhà truyền thống kết hợp điểm du lịch homestay. Với điều kiện tự nhiên và địa lý khác biệt, mỗi vùng, miền sở hữu kiến trúc nhà ở đặc trưng. Tiêu biểu như những nếp nhà sàn truyền thống lợp mái ngói âm dương là đặc trưng kiến trúc nhà ở của người Lô Lô ở Cao Bằng; nhà trình tường là đặc trưng kiến trúc nhà ở của người H’Mông ở Hà Giang; nhà sàn lợp mái tranh hoặc ngói, sàn lát bằng tre nứa, vách trát đất trộn với rơm là đặc trưng kiến trúc nhà của người Ba Na, hay nhà dài là đặc trưng kiến trúc của người Ê Đê vùng Tây Nguyên cũng được làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Bản sắc riêng trong kiến trúc nhà ở truyền thống là điểm nhấn thu hút du khách, nhưng nếu xét theo tiêu chí nhà ở dân cư, những ngôi nhà không bảo đảm “ba cứng” này có thể được xếp vào hiện trạng nhà ở đơn sơ hoặc nhà ở thiếu kiên cố… Việc không đạt chuẩn an toàn về vật liệu sẽ là rào cản trong nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương. Với thực trạng phổ biến hiện nay, khi chính quyền vừa tuyên truyền người dân xây dựng nông thôn mới, vừa vận động bà con bảo tồn giá trị văn hóa gốc trước xu thế đô thị hóa, bên trong những ngôi “làng hiện đại” là những căn nhà cũ mới đan xen, kiến trúc nhà truyền thống lợp mái tôn hoặc láng nền xi-măng hay bê-tông hóa. Những vấn đề này đang tác động đến phát triển du lịch bền vững. Qua quá trình tồn tại và biến đổi, không gian nhà ở truyền thống khẳng định sự tham gia tích cực vào phát triển du lịch, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách. Vì vậy, nhiều vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh phục dựng nhà truyền thống để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh sự vận động của chính quyền, không ít hộ dân chủ động sửa chữa, tu bổ nhà ở để đón khách. Một số nơi còn khoanh vùng trồng tranh, tre, nứa, lá… để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho việc phục dựng đúng nguyên bản nhà cổ.

Để hài hòa yếu tố hiện đại và giá trị truyền thống, giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, phát huy hiệu quả của chủ trương xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng, một số địa phương đề xuất ý tưởng quy hoạch không gian phát triển du lịch cộng đồng, thí điểm xây dựng mô hình làng truyền thống dân tộc, trong đó bao hàm tất cả đặc trưng về văn hóa bản địa được bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ du lịch. Điều này cũng phù hợp với Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành mới đây; trong đó, quan điểm phát triển du lịch cộng đồng bền vững và định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng…

Nhiều ý kiến đề xuất, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 cần điều chỉnh, sửa đổi nội dung tiêu chí nhà nông thôn phù hợp với thực tế đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới hiện đại song song bảo tồn các giá trị truyền thống. Nếu xác định đúng hướng phát triển và làm tốt công tác quy hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sẽ tạo đà để du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Theo Baonhandan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-210424.html
Zalo