Phát triển du lịch biển xanh
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên biển, đảo phong phú, nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Để hướng đến phát triển bền vững, ngành Du lịch đang thúc đẩy phát triển du lịch biển xanh.
Điểm du lịch biển, đảo hàng đầu của Việt Nam
Nhắc đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, du khách nhớ ngay đến biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng những khu nghỉ dưỡng xanh mướt bên bờ vịnh xanh. Với đường bờ biển dài 385km, cùng các vịnh đẹp như: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong, có gần 200 hòn đảo lớn nhỏ… Khánh Hòa có điều kiện để phát triển du lịch biển, đảo. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch biển có hiệu quả, đưa Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đến nay, ngành Du lịch xứ Trầm đã hình thành được nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng biển đẳng cấp như quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl (đảo Hòn Tre), các khu nghỉ dưỡng xanh như: Six Senses Ninh Vân Bay, An Lâm Retreat, Hòn Tằm và hàng loạt khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài như: Ana Mandara Cam Ranh, The Anam, Fusion Cam Ranh, Radisson Blu Cam Ranh… Nhiều khu nghỉ dưỡng biển của Khánh Hòa đã được trao các giải thưởng du lịch danh giá của thế giới.

Tàu du lịch biển Coral Princess đưa khách đến Khánh Hòa.
Về sản phẩm du lịch, bên cạnh các tour tham quan biển, đảo khu vực vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, du lịch Khánh Hòa còn phát triển thêm nhiều dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn như: Lặn biển ngắm san hô, các trò chơi thể thao biển (kéo dù, mô tô nước, chèo ván sup, flyboard…). Những năm gần đây, Khánh Hòa đã phát triển các tour du ngoạn trên vịnh Nha Trang bằng du thuyền Emperor, Sealife. Đặc biệt, mới đây, Bến du thuyền Ana Marina Nha Trang đã được cấp mã cảng quốc tế, mở ra cơ hội cho Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến của các du thuyền cá nhân của giới nhà giàu thế giới.
Khánh Hòa đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Australia, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Mới nhất, Nha Trang đã được chọn vào top những điểm "du lịch chậm” ở khu vực châu Á. "Nha Trang quyến rũ du khách bằng đường bờ biển tuyệt đẹp và không gian thư thái. Nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho những tín đồ yêu biển và mong muốn đắm mình dưới ánh nắng vàng ươm và làn nước xanh như ngọc. Nha Trang còn mang đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng, từ hành trình khám phá Tháp Bà Pô Nagar cổ xưa đến thư giãn với những liệu trình bùn khoáng. Chính không gian nhẹ nhàng thư thái này đã biến Nha Trang thành điểm dừng chân hoàn hảo cho những ai yêu thích du lịch chậm" - nền tảng du lịch trực tuyến Agoda nhận định.
Trước đó, báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard (Mastercard Economics Institute - MEI) đã xếp TP. Nha Trang đứng thứ 11 trong danh sách 15 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới mùa hè năm 2025. Năm 2024, Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) đã bình chọn Nha Trang là 1 trong 8 điểm nghỉ dưỡng biển đẹp hàng đầu thế giới dành cho người nghỉ hưu. Travel+Leisure giới thiệu Nha Trang là một thành phố với bãi biển đẹp, cuộc sống về đêm sôi động, ẩm thực ngon và nhiều cơ hội giải trí…
Đề cập đến sự phát triển du lịch biển Khánh Hòa, ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Năm 2024, Khánh Hòa đón 10,8 triệu lượt khách, trong đó có 4,7 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt 53.000 tỷ đồng. Sự đóng góp của du lịch biển, đảo là không thể đo đếm được, sự phát triển du lịch xứ Trầm Hương không thể tách rời du lịch biển, đảo.
Đẩy mạnh phát triển du lịch biển xanh
Dù đã đạt được nhiều kết quả rất tốt song du lịch biển, đảo của Khánh Hòa vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tại diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề "Phát triển du lịch xanh và bền vững" nhiều chuyên gia du lịch, các nhà khoa học đã đánh giá, du lịch Khánh Hòa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; việc tập trung đầu tư, xây dựng phát triển các loại hình du lịch hướng tới mục tiêu xanh và bền vững vẫn còn nhiều hạn chế; các sản phẩm du lịch trên biển vẫn còn đơn thuần.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam đánh giá, đối với Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng, du lịch biển vẫn là nguồn thu chính của ngành Du lịch. Bên cạnh những cơ hội và lợi ích to lớn do du lịch biển đem lại, con người đang khai thác tài nguyên biển thiếu hiệu quả, lơ là trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển. Việc phát triển du lịch “nóng” đã ảnh hưởng đến môi trường biển. Do đó, ông kêu gọi phát triển du lịch biển xanh để làm nền tảng cho phát triển du lịch biển bền vững. Trong việc phát triển du lịch nói chung, du lịch biển, đảo nói riêng, Khánh Hòa cần ưu tiên bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa biển làm chất xúc tác, duy trì hiệu quả phát triển kinh tế trong dài hạn chứ không phải trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Khánh Hòa tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh; khuyến khích áp dụng các giải pháp phát triển du lịch xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Cùng với đó, ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái biển, đảo; sản phẩm chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, trải nghiệm, giáo dục môi trường. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.
Theo ông Cung Quỳnh Anh, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đặt mục tiêu: Đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Theo đó, tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển cao cấp, các sản phẩm xanh. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Bộ tiêu chuẩn du lịch xanh tỉnh Khánh Hòa; tham mưu Đề án Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển không gian, sản phẩm du lịch biển, đảo chất lượng cao.