Phát triển dong riềng thành cây trồng chủ lực

Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà những năm gần đây, cây dong riềng đã được trồng với diện tích khá lớn ở huyện Cẩm Thủy.

Mỗi năm, HTX sản xuất miến dong Đồi Ao (xã Cẩm Bình) tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động.

Mỗi năm, HTX sản xuất miến dong Đồi Ao (xã Cẩm Bình) tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động.

Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy hiện có khoảng gần 60ha cây dong riềng, được người dân trồng trong vườn nhà, trên sườn đồi. Nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 10 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt từ 70 - 75 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi về 60 - 70 triệu đồng/ha. Từ củ dong riềng, nhiều HTX, hộ gia đình đã xây dựng thành công sản phẩm miến dong với nhiều thương hiệu khác nhau, như: miến dong riềng Đồi Ao (xã Cẩm Bình), miến dong riềng Thuận Tâm (xã Cẩm Liên), các sản phẩm này đều được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Với mong muốn, phát triển dong riềng thành cây trồng chủ lực, được sản xuất gắn với chế biến sản phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân, huyện Cẩm Thủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các HTX, hộ dân duy trì, mở rộng và phát triển thành cây trồng hàng hóa, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án, tạo mối liên kết từ trồng, chế biến, sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, phải kể đến việc đầu tư của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa vào năm 2018 đối với 2 dây chuyền chế biến dong riềng tự động lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong cho 2 HTX Thuận Tâm (xã Cẩm Liên) và HTX Đồi Ao (xã Cẩm Bình). Đến nay, mô hình đang phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Xã Cẩm Liên hiện có khoảng trên 25ha dong riềng, trên 50 hộ tham gia, dự kiến trong năm 2025, diện tích gieo trồng sẽ tăng thêm. Để khuyến khích, vận động các hộ dân mở rộng diện tích, ngoài hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, HTX sản xuất miến dong Thuận Tâm trên địa bàn xã còn liên kết, thu mua và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc HTX sản xuất miến dong Thuận Tâm, cho biết: "Khi liên kết sản xuất với người dân, đơn vị bảo đảm thu mua củ với giá thấp nhất là 2.100 đồng/kg. Đối với miến dong riềng, đơn vị chú trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm được đóng gói bao bì bắt mắt, đăng ký mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc chứng nhận chất lượng sản phẩm và đăng ký bán trên các trang thương mại điện tử, hội chợ...".

Cùng với sản phẩm miến dong của HTX Đồi Ao (xã Cẩm Bình), miến dong của HTX Thuận Tâm (xã Cẩm Liên) cũng đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Cùng với sản phẩm miến dong của HTX Đồi Ao (xã Cẩm Bình), miến dong của HTX Thuận Tâm (xã Cẩm Liên) cũng đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây dong riềng, bà Phạm Thị Xuyến ở thôn Tô (xã Cẩm Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi một số cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp sang trồng dong riềng. Cây ít sâu bệnh, dễ trồng, khả năng sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc nên mang lại lợi nhuận cao. Theo chia sẻ của bà Xuyến, thì: "Chỉ với hơn 3ha, trừ chi phí, mỗi năm thu về cho gia đình hơn 130 triệu đồng. Dự tính, trong năm nay gia đình tiếp tục cải tạo đất đai, mở rộng thêm diện tích". Bà Đỗ Thị Huyên, Giám đốc HTX sản xuất miến dong Đồi Ao cho biết: "Cùng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân, HTX còn đầu tư mua thêm dây chuyền chế biến dong riềng lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong với công suất đạt từ 350 - 400 tấn củ/năm, tạo việc làm cho 10 -15 lao động. Hiện sản phẩm miến dong của HTX được tiêu thu tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... Doanh thu ước đạt gần 1,7 tỷ đồng/năm".

“Là một xã trung du miền núi của huyện, những năm qua địa phương tích cực thực hiện tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp, quy hoạch các khu sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân. Từ đó, hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp như: cây mía, rau, củ, quả, dong riềng, hoa hồng, dược liệu... Đối với dong riềng, được định hướng trở thành cây trồng chủ lực trong thời gian tới nhờ diện tích gần 20ha cùng đầu ra ổn định. Dù vậy, để phát triển, nâng cao chuỗi giá trị loại cây trồng này còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh lâu dài với thị trường ngày một khó tính hiện nay...”, ông Bùi Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết.

Dự kiến trong năm 2025, diện tích trồng dong riềng sẽ được mở rộng tại xã Cẩm Liên.

Dự kiến trong năm 2025, diện tích trồng dong riềng sẽ được mở rộng tại xã Cẩm Liên.

Để phát huy giá trị kinh tế của cây dong riềng, ngoài vận động, khuyến khích người dân duy trì, mở rộng diện tích gieo trồng, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm, huyện Cẩm Thủy đang chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, cơ sở sản xuất miến dong riềng trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng máy móc, công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm tính ổn định, bền vững...

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-trien-dong-rieng-thanh-cay-trong-chu-luc-36572.htm
Zalo