Phát triển đô thị còn đó những khó khăn

Tập trung bố trí, huy động nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, nhất là các công trình dự án trọng điểm, có ý nghĩa động lực phát triển, là giải pháp trọng tâm nhằm tiến tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, đặc biệt là các đô thị có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm TP Cà Mau, đô thị Sông Ðốc đô thị Năm Căn. Trong đó, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư; triển khai nhiều dự án công trình nhằm cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, điều hòa khí hậu, phát triển sinh kế, xây dựng đô thị xanh nhằm hướng tới tăng trưởng xanh... là những nội dung luôn được ưu tiên nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân đô thị cũng như duy trì tính bền vững. Mặc dù vậy, hiện nay việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đang phát sinh không ít khó khăn, bất cập cần tiếp tục được tháo gỡ.

Với quy mô gần 4.900 ha trong đồ án quy hoạch mới, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là 1 trong 2 đô thị được lựa chọn để đạt đô thị loại III vào năm 2030. Theo đó, đây sẽ là đô thị ven biển, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây.

Hiện trên địa bàn TP Cà Mau đang triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị nhằm từng bước tiến tới đạt tiêu chí đô thị loại I.

Hiện trên địa bàn TP Cà Mau đang triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị nhằm từng bước tiến tới đạt tiêu chí đô thị loại I.

Sông Ðốc thời gian qua đã được triển khai nhiều dự án công trình quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và các dự án phát triển đô thị. Hiện nay, khu vực thị trấn Sông Ðốc có 7 dự án phát triển đô thị, với nhiều dự án khu dân cư đô thị đã và đang tiếp tục được nhà đầu tư triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các dự án này cũng đang gặp không ít khó khăn về tiến độ.

Theo ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, số công trình dự án có sử dụng đất, vốn ngoài ngân sách Nhà nước như: các dự án phát triển nhà ở trung tâm đô thị Sông Ðốc tại Khóm 11, 12; Dự án Khu đô thị Cửu Long; Dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Sông Ðốc phía Nam, xã Phong Ðiền, có tiến độ chậm, kéo dài. Thậm chí một số dự án chủ đầu tư chưa hoàn thành việc cắm mốc ranh quy hoạch, chưa bố trí vốn để chi trả theo phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng... Từ đó, rất khó cho huyện cũng như địa phương trong việc quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, môi trường...

Tiêu biểu như tại khu vực xung quanh Dự án Khu đô thị thương mại Cửu Long, kể từ khi cầu Sông Ðốc được đưa vào sử dụng, khu vực này phát triển rất nhanh và rầm rộ. Từ đó, không ít hộ dân lén lút, lợi dụng những ngày nghỉ, thậm chí là ban đêm để xây dựng, dù khu vực đó nằm trong quy hoạch và đã được công bố. “Dù huyện và chính quyền thị trấn đã rất cố gắng để xử lý nhưng tình hình rất phức tạp”, ông Châu nhận định thêm.

Quản lý trật tự xây dựng tại Sông Ðốc là một khó khăn. Dù phát triển khá sầm uất nhưng bộ máy chính quyền chỉ tương đương cấp xã, mà cụ thể, lĩnh vực địa chính - đô thị của thị trấn chỉ có 2 người; trong khi đó 1 người trực tại Bộ phận Một cửa, còn lại 1 người thì không thể quản lý nổi khu vực đô thị rộng lớn như Sông Ðốc hiện nay, nhất là trật tự xây dựng.

Sông Đốc hiện nay là đô thị biển sầm uất và được quy hoạch trở thành đô thị ven biển, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây.

Sông Đốc hiện nay là đô thị biển sầm uất và được quy hoạch trở thành đô thị ven biển, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây.

Tại đô thị Năm Căn hiện nay đã được đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng giao thông. Ðến thời điểm này, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, đã hoàn thành 9/9 tiêu chí và 52/52 nội dung của đô thị văn minh, đang chờ cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận. Song, bên cạnh niềm vui ấy, ông Nguyễn Hoàng Duy, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cũng chia sẻ, có không ít nỗi trăn trở. Do mật độ dân cư đông và lượng khách du lịch đến thị trấn cũng ngày một lớn, từ đó gây ra áp lực không nhỏ về môi trường, nhất là tình trạng rác thải sinh hoạt.

Là đô thị hạt nhân, TP Cà Mau thời gian qua không ngừng được nâng cấp ngày một khang trang hơn. Tuy nhiên, ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND thành phố, vẫn còn nhiều băn khoăn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là năng lực của hệ thống thoát nước (khi mưa xuống là nhiều tuyến đường bị ngập). Ðối với mặt đường giao thông trong nội ô thành phố, thời gian qua chưa được tập trung duy tu sửa chữa lớn nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị. Ðây là giai đoạn cần phải tập trung duy tu sửa chữa lớn nhưng thành phố cũng chưa đủ điều kiện, nhất là vốn.

Hạ tầng khu vực Sông Ðốc đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp để làm nền tảng thúc đẩy đô thị nơi đây phát triển nhanh và bền vững.

Hạ tầng khu vực Sông Ðốc đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp để làm nền tảng thúc đẩy đô thị nơi đây phát triển nhanh và bền vững.

Không những vậy, đối với các dự án đô thị mới cũng như khu dân cư do doanh nghiệp đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh thì tình trạng vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... đang là vấn đề đáng quan tâm. Nhất là tình trạng một số dự án chậm tiến độ, chưa hoàn thành hạ tầng nên chưa thể bàn giao về cho thành phố quản lý. “Từ đó, tạo ra nhiều khó khăn trong xây dựng mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường cho TP Cà Mau, nhiều khu vực còn nhếch nhác, tình trạng này đã được cử tri và đại biểu HÐND các cấp phản ánh rất nhiều”, ông Phương chia sẻ thêm.

Trong chương trình phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có 29 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP Cà Mau; 2 đô thị loại III là Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời và Năm Căn, huyện Năm Căn; 5 đô thị loại IV và 21 đô thị loại V.

Ðể đạt được mục tiêu này, ông Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, quy hoạch chung thị trấn Sông Ðốc đã được công bố sẽ là nền tảng để điều chỉnh quy hoạch chi tiết của thị trấn và cũng là điều kiện để quản lý về trật tự đô thị. Do đó, huyện cần tiến hành rà soát lại toàn bộ đồ án quy hoạch chi tiết tại đô thị Sông Ðốc theo thẩm quyền, phần nào còn phù hợp với quy hoạch chung thì tiếp tục thực hiện, phần nào cần thiết phải điều chỉnh thì điều chỉnh. “Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách riêng để quản lý đô thị Sông Ðốc, hay ít nhất cần cho thêm 1 phó chủ tịch để phụ trách lĩnh vực đô thị”, ông Tâm đề xuất.

Ðối với các dự án dân cư, dự án nhà ở đô thị, ông Tâm cho biết, Sở đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các danh mục dự án đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, kể cả dự án chậm tiến độ, dự án mới và sẽ đề nghị các chủ đầu tư tiến hành phát quang, dọn dẹp vệ sinh, tạo mỹ quan đô thị...

Theo quy định tại khoản 6, Ðiều 31, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về điều kiện để đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở bao gồm: “Ðất không thuộc khu vực phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III; không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Ðất đai...”. Như vậy, đất tại các khu vực thị xã, phường, quận, thành phố của các loại đô thị trên sẽ không thuộc trường hợp được chuyển nhượng quyền sử dụng cho các cá nhân tự xây dựng nhà ở (hay còn gọi là phân lô bán nền) kể từ 1/8/2024. Ðây tiếp tục là một khó khăn cho các dự án dân cư đô thị, trong đó có đô thị loại II như TP Cà Mau.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-trien-do-thi-con-do-nhung-kho-khan-a34762.html
Zalo