Phát triển điện gió ngoài khơi: Cần khung pháp lý rõ ràng để thu hút đầu tư
Theo TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và quy hoạch tổng thể cho ngành điện gió ngoài khơi, bao gồm quy hoạch không gian biển, cấp phép dự án, và các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể... để thu hút các nhà đầu tư.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11/2024, các dự án điện mới đã được mở ra, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, để phát triển điện gió ngoài khơi và thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đề hiểu rõ hơn về vấn đề này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, Giám đốc mạng lưới Năng lượng và Biển của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), đồng thời là Cố vấn cao cấp về Địa kỹ thuật tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy (Norwegian Geotechnical Institute).
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?
TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Việt Nam có tiềm năng phát triển ĐGNK khá lớn nhờ vào các điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, và các cam kết quốc gia về phát triển bền vững. Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km và nhiều khu vực có tốc độ gió trung bình từ 7-10 m/s ở độ cao 100m, đặc biệt tại miền Trung và miền Nam, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió dồi dào, lý tưởng cho các dự án ĐGNK hiệu suất cao.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đang trải qua giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng hàng năm đạt 8-10%. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tìm kiếm các nguồn năng lượng bền vững. ĐGNK không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu này mà còn hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng về không vào năm 2050 theo cam kết quốc gia.
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, Việt Nam dự kiến phát triển hơn 6.000 MW ĐGNK, trở thành một nguồn điện quan trọng, góp phần cung cấp điện ổn định cho cả nước. Ngoài ra, ngành ĐGNK còn mang lại lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể, như tạo ra khoảng 9.000 việc làm toàn thời gian trong kịch bản phát triển 1 GW, và con số này sẽ tăng lên đến 55.000 việc làm trong kịch bản 6 GW.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển ĐGNK tại Việt Nam không chỉ là cơ hội mà còn là một yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, và đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường.
PV: Tiềm năng là vậy, song hiện nay để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức..các dự án ĐGKN chưa thể triển khai. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Hiện nay, việc phát triển ĐGNK tại Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn và thách thức đáng kể, từ góc độ kỹ thuật, kinh tế và khung pháp lý, cụ thể:
Thứ nhất, chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án ĐGNK còn khá cao, bao gồm chi phí lắp đặt, vận hành và bảo trì trong điều kiện môi trường biển khắc nghiệt.
Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ, như cảng biển, thiết bị vận chuyển và cơ sở hậu cần, vẫn chưa được phát triển đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của các dự án quy mô lớn.
Thứ ba, về mặt pháp lý, khung chính sách và quy hoạch tổng thể cho ĐGNK vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dẫn đến sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư và các bên liên quan.
Thứ tư, năng lực kỹ thuật trong nước, bao gồm thiết kế, thi công và vận hành tua-bin gió, còn hạn chế, khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các công nghệ nhập khẩu.
Thứ năm, Một thách thức lớn khác là khả năng cạnh tranh, xung đột lợi ích trong việc sử dụng không gian biển, nơi phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển điện gió, bảo vệ môi trường, và các hoạt động kinh tế khác như thủy sản và vận tải biển. Thêm vào đó, các vấn đề môi trường, như tác động đến hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học, cũng đòi hỏi phải có các giải pháp bền vững và khoa học hơn.
Cuối cùng, khả năng kết nối với hệ thống lưới điện trên bờ còn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực xa bờ, đặt ra thách thức lớn trong việc tích hợp ĐGNK vào hệ thống năng lượng quốc gia.
Để vượt qua những khó khăn này, theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các nhà đầu tư, và cộng đồng khoa học, nhằm xây dựng một kế hoạch phát triển ĐGNK toàn diện và bền vững tại Việt Nam.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn thách thức đó?
TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Để tháo gỡ các khó khăn trong phát triển ĐGNK, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế và chính sách rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và quy hoạch tổng thể cho ngành ĐGNK, bao gồm quy hoạch không gian biển, cấp phép dự án, và các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể. Một quy trình phê duyệt minh bạch, nhất quán và có thời gian xử lý nhanh chóng sẽ giúp tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, chính phủ nên đưa ra các cơ chế tài chính hấp dẫn, chẳng hạn như ưu đãi thuế, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị và hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Việc thiết lập các cơ chế định giá điện cạnh tranh nhưng ổn định, sẽ giúp nhà đầu tư dự đoán được khả năng hoàn vốn và lợi nhuận dài hạn. Đồng thời, cần có các quỹ hỗ trợ phát triển hoặc bảo lãnh rủi ro đầu tư, đặc biệt đối với các dự án quy mô lớn và ở giai đoạn khởi đầu.
Ngoài ra, cần tăng cường phát triển hạ tầng kỹ thuật như cảng biển, mạng lưới truyền tải điện và hệ thống kết nối ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Chính phủ có thể khuyến khích hợp tác công-tư để chia sẻ rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực.
Cuối cùng, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia phát triển về ĐGNK như Đan Mạch, Đức và Hà Lan... đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp trong nước, sẽ giúp tăng cường năng lực kỹ thuật và quản lý. Những cơ chế và chính sách này, khi được triển khai đồng bộ và hiệu quả, không chỉ giải quyết những khó khăn hiện tại mà còn tạo động lực lớn để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm phát triển ĐGNK hàng đầu khu vực.
PV: Nếu “cơ chế” được khơi thông, các dự án điện gió ngoài khơi đi vào hoạt động, sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thưa ông?
TS.Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Trong bối cảnh ngày càng gia tăng nhu cầu năng lượng và gia tăng lo ngại về biến đổi khí hậu, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trở nên hết sức cấp thiết. Trong đó, ĐGNK đóng vai trò quan trọng như một nguồn năng lượng sạch và bền vững.
Với lợi thế về tiềm năng gió dồi dào, các dự án ĐGNK có khả năng sản xuất một lượng điện lớn, đáng kể góp phần vào tổng sản lượng điện quốc gia. Điều này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, mà còn giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và bảo vệ nền kinh tế khỏi sự biến động của giá nhiên liệu toàn cầu.
Hơn thế nữa, việc phát triển các dự án ĐGNK phù hợp với cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng xanh. Điều này góp phần vào chiến lược phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây không chỉ là hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.
PV: Để đầu tư được điện gió ngoài khơi ngoài chi phí đầu tư lớn, thì yêu cầu kỹ thuật cũng rất cao. Ông thấy công nghệ nào hiện được áp dụng để xây dựng và vận hành các trụ điện gió ngoài khơi? Làm thế nào để giải quyết các thách thức liên quan đến truyền tải điện từ ngoài khơi vào đất liền?
TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Đầu tư vào ĐGNK không chỉ đòi hỏi chi phí lớn mà còn yêu cầu kỹ thuật rất cao, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành các tua-bin gió trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường biển. Hiện nay, các công nghệ tiên tiến đang được áp dụng trên thế giới để giải quyết những thách thức này gồm:
Về công nghệ nền móng, các giải pháp như móng cọc đơn, móng giàn ống thép và móng trọng lực đang được sử dụng tùy thuộc vào độ sâu nước biển và điều kiện địa chất. Ở những vùng nước sâu, công nghệ tua-bin gió nổi với các hệ thống neo hiện đại đang trở thành xu hướng. Về công nghệ tua-bin, các tua-bin gió thế hệ mới có công suất lớn hơn, được thiết kế với cánh quạt dài và vật liệu composite nhẹ để tăng hiệu suất. Công nghệ tự động hóa và giám sát từ xa thông qua cảm biến IoT và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa vận hành và bảo trì.
Đối với truyền tải điện từ ngoài khơi vào đất liền, công nghệ cáp ngầm cao áp xoay chiều (HVAC) và cao áp một chiều (HVDC) đang được áp dụng, trong đó HVDC được ưu tiên sử dụng cho các dự án xa bờ. Cần đầu tư vào các loại cáp ngầm chịu lực cao, chống ăn mòn và vận hành lâu dài trong điều kiện biển khắc nghiệt, cùng với các trạm biến áp ngoài khơi để nâng cấp điện áp trước khi truyền tải vào đất liền.
Để giải quyết những thách thức này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực ĐGNK. Đồng thời, cần đảm bảo các dự án ĐGNK được tích hợp hiệu quả vào hệ thống lưới điện quốc gia thông qua quy hoạch lưới điện đồng bộ, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng cao như miền Nam và miền Trung.
PV: Thưa ông, bên cạnh những yếu tố cần thiết về kinh tế, kỹ thuật thì một thách thức lớn nữa khi đầu tư, xây dựng ĐGNK là đảm bảo môi trường. Theo ông những tác động môi trường tiềm tàng khi phát triển các dự án ĐGNK là gì? Và làm thế nào để đảm bảo ĐGNK không gây xung đột với các ngành nghề truyền thống như đánh bắt cá?
TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Trước tiên, quá trình xây dựng và vận hành ĐGNK có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là các loài sinh vật nhạy cảm như cá và động vật có vú biển. Hơn nữa, việc lắp đặt các trụ tua-bin và cáp ngầm có thể làm thay đổi dòng chảy của nước biển, dẫn đến xói mòn hoặc tích tụ trầm tích. Ngoài ra, các khu vực phát triển ĐGNK có thể cạnh tranh hoặc chồng lấn với các ngành nghề truyền thống khác như đánh bắt cá, vận tải biển và du lịch, gây ra rủi ro xung đột không gian.
Để giải quyết các thách thức này, một số giải pháp tiềm năng đã được đề xuất. Việc tiến hành đánh giá tác động môi trường toàn diện là một bước quan trọng để giảm thiểu các tác động tiêu cực. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các công nghệ ít gây tiếng ồn khi đóng cọc, cũng là một giải pháp hiệu quả. Quy hoạch không gian biển để phân định rõ ràng các khu vực dành cho ĐGNK và các hoạt động kinh tế khác cũng là một cách tiếp cận quan trọng. Hợp tác với cộng đồng địa phương để đảm bảo dự án không ảnh hưởng lớn đến sinh kế của họ cũng là yếu tố cần thiết. Cuối cùng, việc thiết lập các chương trình giám sát liên tục để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh là rất quan trọng.