Phát triển di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo

Ngày 13/11, tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo'. Tọa đàm là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Hoạt động sáng tạo đánh thức tiềm năng di sản

Tại Tọa đàm, KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Năm 1999, Thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình. Năm 2019, Thành phố vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Các hoạt động sáng tạo, nền công nghiệp sáng tạo, dự án sáng tạo, không gian sáng tạo… không chỉ là động lực mà còn là nhân tố chính trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ đó đến nay, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng: “… Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển Thành phố năng động, toàn diện và bền vững”. Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của Thành phố. Trong những năm qua, vai trò của di sản đã được giới chuyên môn, chính quyền, các bên có liên quan đặc biệt quan tâm.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, chuyên gia về bảo tồn di sản, Hà Nội là Thành phố giàu bản sắc, có sự kết hợp nền văn hóa, văn minh từ lịch sử; mang vẻ đẹp gần gũi với người dân. Ngày nay, các kiến trúc sư trẻ đã tự tin kết hợp khoa học công nghệ, sự sáng tạo vào di sản để quảng bá, tuyên truyền, ví dụ như tại Đại học Tổng hợp.

“Khi tôn tạo, làm mới thì phải có trùng tu, bào tồn nhưng vẫn phát huy đầy đủ các giá trị. Hà Nội đẹp bởi những con phố, tạo nên điểm đặc sắc riêng. tuy nhiên phần lớn đã có sự cải tiến, dần mất đi vẻ đẹp vốn có. Chúng ta khi sáng tạo, đổi mới phải tử tế hóa, khang trang hóa những con phố, con đường. Việc chính quyền chỉnh trang phố phường như Tràng Tiền, Hàng Khay là hoàn toàn phù hợp với một thành phố phát triển bởi những con phố, mặt phố.

Công trình Hội quán Quảng Đông trở thành một không gian sáng tạo, địa chỉ văn hóa thu hút người dân và du khách.

Công trình Hội quán Quảng Đông trở thành một không gian sáng tạo, địa chỉ văn hóa thu hút người dân và du khách.

Lõi di sản của Thủ đô chính là ở quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, do vậy không gian đô thị tồn tại phải có sự uyển chuyển, mềm mại. Cần phải giữ được sự uyển chuyển này, phải có tư duy bảo tồn, tư duy sáng tạo; bổ sung thêm thành phần mới cho các không gian nhỏ, không đồ sộ hóa để hợp với cảm thức của người dân”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.

Còn theo ông KTS Nguyễn Hồng Quang, Hà Nội có nhận diện riêng về di tích, di sản, trong đó có các di tích được xây dựng từ thời Pháp cổ. Khi đảm nhiệm những vai trò mới, thay đổi mới thì Thành phố phải có sự thích ứng để phù hợp với thực tiễn.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo chính là không gian cho nhiều đối tượng cùng đóng góp nguồn lực, thúc đẩy công đồng sáng tạo, kiến trúc sư, nhà quản lý… Tuy nhiên các công trình, dự án vẫn mang tính tạm thời, ví dụ như hoạt động tại di sản Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Do đó, muốn làm không gian sáng tạo bền vững, có lồng ghép với di sản thì phải coi di sản là một viên ngọc quý.

Sáng tạo trong công trình di sản là cần thiết

Bàn về các thiết kế sáng tạo trong di sản, Nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, thành viên Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương đã nêu ra ví dụ tại 22 Hàng Buồm. Công trình Hội quán Quảng Đông trở thành một không gian sáng tạo, địa chỉ văn hóa thu hút người dân và du khách. Đội ngũ kiến trúc sư đã tiến hành xử lý không gian; sử dụng phương pháp xanh, không can thiệp vào kiến trúc công trình hiện hữu; biến khu vực này thành một không gian pavillon của quận Hoàn Kiếm.

Mái vòm của tòa nhà Đại học Tổng hợp được sử dụng công nghệ 3D tái hiện hình ảnh sinh động.

Mái vòm của tòa nhà Đại học Tổng hợp được sử dụng công nghệ 3D tái hiện hình ảnh sinh động.

Mỗi không gian bên trong công trình có một giá trị di sản riêng, được bố trí các hoạt động, triển lãm riêng, từ đó giúp truyền tải những thông điệp, câu chuyện riêng về không gian đó tới người tham quan, du khách; biến công trình thành một không gian sáng tạo, nơi tổ chức workshop, triển lãm, tọa đàm thu hút nhiều người tham gia.

Tại tòa nhà Đại học Tổng hợp, 19 Lê Thánh Tông trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 đã được các họa sỹ, kiến trúc sư nghiên cứu, sáng tạo, sắp đặt tổ hợp triển lãm nghệ thuật “Cảm thức Đông Dương”. Tổ hợp triển lãm nhằm tôn vinh những giá trị, vẻ đẹp vượt thời gian của di sản văn hóa có sự giao thoa giữa văn hóa Việt và kiến trúc Pháp này với 22 tác phẩm độc đáo bên trong không gian công trình hoặc nằm ẩn khuất trong tòa nhà; kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật sắp đặt ánh sáng và công nghệ 3D mapping; sử dụng công nghệ 3D tái hiện hình ảnh 2 con chim phượng hoàng trên vòm mái; biến hội trường thành một rạp chiếu phim đầy sống động…

Chia sẻ về các thiết kế công trình pavilion tại Lễ hội, giám tuyển Vân Đỗ, Giám đốc nghệ thuật Á Space, Trưởng nhóm giám tuyển “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” cho biết: Cung Thiếu nhi tại quận Hoàn Kiếm vẫn là di sản đang hoạt động. Lựa chọn khu vực này để thiết kế pavillon chính là để phát huy tối đa những tiềm năng của di sản. Các hoạt động tập trung kích hoạt các không gian ít được sử dụng, tăng tính tương tác, trải nghiệm. Pavilion “Hành lang thơ ngây” được đặt tại Cung Thiếu nhi mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã từng, đã có, đã cũ của tuổi thơ với những nét thơ ngây và những hành lang mới, hiện tại và có thể là các hành lang trong tương lai.

“Đội ngũ thực hiện đã can thiệp nhẹ nhàng vào không gian có sẵn, khích lệ các không gian ngủ quên không chỉ cho thiếu nhi mà còn cho người lớn, thế hệ sáng tạo tới để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác”, Giám tuyển Vân Đỗ nói.

Pavilion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Pavilion “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hay tại thiết kế Pavilion “Rồng rắn lên mây” được đặt tại công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Đây là một trong những công trình có kiến trúc Đông Dương nổi bật. KTS Nguyễn Công Hiệp và đội ngũ thiết kế đã cẩn trọng trong nghiên cứu khuôn viên bảo tàng; lựa chọn khu vực khuôn viên mặt đường tại số 1 Phạm Ngũ Lão. KTS Nguyễn Công Hiệp bày tỏ mong muốn tạo ra một cấu trúc có tính đối thoại với công trình di sản, hòa nhập với không gian hiện hữu, trở thành một phần của cảnh quan bảo tàng, tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này.

Tên gọi “Rồng rắn lên mây” xuất phát từ hình thái uốn lượn của công trình, liên tưởng tới trò chơi dân gian đã và đang dần bị lãng quên ở hiện tại. Bằng cách thiết kế và đặt tên này, các kiến trúc sư vừa mong muốn đem đến một sự uyển chuyển hài hòa về không gian, vừa mong muốn khơi gợi sự thích thú vui chơi và tìm tòi của những thế hệ trẻ, từ đó liên kết với công trình di sản và kho tàng lịch sử đang được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…

Về phía cơ quan quản lý, TS. KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, trước đây, khi trùng tu, bảo tồn các di sản, chính quyền địa phương thường có tư duy khôi phục lại nguyên gốc ban đầu, đặc biệt với các công trình, kiến trúc liên quan đến tín ngưỡng, lễ hội. Những năm gần đây, các địa phương đã thay đổi nhận thức, khi nhìn nhận di sản gắn liền với các không gian, hoạt động gắn liền với giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, sáng tạo.

Theo ông Phạm Tuấn Long, về giải pháp lâu dài cho các công trình di sản, duy trì các hoạt động sáng tạo để thu hút công chúng, sau Lễ hội, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp nhận các sản phẩm sáng tạo; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị để giải quyết bài toán vận hành. Đồng thời, Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều nội dung mới về khai thác sử dụng, nhượng quyền cho sử dụng với tài sản công sẽ mở ra nhiều hướng để khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian sáng tạo trong các công trình di sản.

Cũng theo các chuyên gia, các pavilion nên có đời sống dài hơn trong các không gian đô thị, do đó đề nghị chính quyền địa phương, các bên có liên quan mở cửa công trình di sản thường xuyên như một đại bảo tàng sống để công chúng tiếp cận, phát triển tài nguyên di sản, trở thành hoạt động giáo dục mang tính thường xuyên. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược lớn và lâu dài hơn cho Hà Nội, đánh thức các không gian di sản còn đang “ngủ quên”.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-di-san-kien-truc-trong-thanh-pho-sang-tao-388389.html
Zalo