Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm gần 85% dân số toàn tỉnh), Đảng bộ tỉnh Lai Châu chú trọng tăng cường công tác phát triển đảng viên người DTTS, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác phát triển đảng viên. Đồng thời, đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ và công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng hằng năm. Các cấp ủy cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ thường xuyên hằng năm; một số nơi ban hành nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện. Đảng ủy xã giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cụ thể đến từng chi bộ thôn, bản, tổ dân phố. Chi bộ thôn, bản, tổ dân phố thường xuyên bổ sung danh sách quần chúng ưu tú, phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ, trong đó quan tâm quần chúng là người DTTS, đoàn viên, thanh niên, trưởng thôn, bản, những cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động, sản xuất, người có uy tín.
Bằng những giải pháp và cách làm cụ thể, hiệu quả, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp 3.154 đảng viên ở vùng đồng bào DTTS, chiếm 68,65% số đảng viên được kết nạp trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đảng viên DTTS là 2.352 người, chiếm 74,57% tổng số đảng viên được kết nạp; nâng tổng số đảng viên trong tỉnh lên 31.206 người. Chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, đảng viên có trình độ học vấn THCS trở lên chiếm 99,84%; năm 2015, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ.
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có 17.042 đảng viên là người DTTS, chiếm 54,61% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Những đảng viên này vừa là người có uy tín, vừa đi đầu gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương. Đồng thời, còn là “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc; tích cực tuyên truyền, vận động người DTTS trên địa bàn tỉnh từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Những việc làm của đảng viên người DTTS đã và đang góp phần chung tay đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn. Đó là, trên địa bàn tỉnh không có nhiều công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu việc làm nên thanh niên trong độ tuổi lao động rời địa bàn sinh sống đi làm ăn xa quê ngày càng nhiều. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề không muốn trở về địa phương vì khó tìm việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp cũng gây khó khăn cho công tác tạo nguồn phát triển đảng. Một số trường hợp có phẩm chất, đạo đức tốt, có uy tín trong nhân dân nhưng lại vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nên không đủ tiêu chuẩn để kết nạp đảng theo quy định; một số quần chúng ít tham gia các hoạt động phong trào nên khó phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng và nhiều nguyên nhân khác.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS. Quan tâm tạo nguồn đảng viên, tìm nguồn, bồi dưỡng nguồn và phát triển nguồn kết nạp, chú trọng bồi dưỡng, phát triển đảng trong học sinh, sinh viên là đồng bào DTTS tại các trường THPT, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Giao chỉ tiêu kết nạp đảng đến từng đảng bộ, chi bộ, gắn trách nhiệm của cấp ủy viên, đảng viên trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên; mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho quần chúng ưu tú theo xã, cụm xã ở vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tham gia. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương để họ yên tâm gắn bó với thôn, bản; khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua, qua đó phát hiện nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng.