Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
Chiều 1/11, Đại học Huế tổ chức Hội thảo 'Đại học Huế - 30 năm tái lập và phát triển thành Đại học Quốc gia (1994 - 2024)'.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là một phần tinh hoa của văn hóa Huế, của vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng.
Đại học Huế luôn duy trì thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới. Theo bảng xếp hạng QS châu Á, Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí 351 - 400 châu Á năm 2023, 2024; theo bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024 của Times Higher Education (THE), Đại học Huế tiếp tục duy trì vị trí 1501+ thế giới và là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam. Đại học Huế đang cho thấy sự tiến bước vững chắc hướng đến mục tiêu phát triển thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những thành tựu nổi bật của Đại học Huế đạt được trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm thực hiện Nghị định 30/CP của Chính phủ; chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp giúp Đại học Huế phát triển trong thời gian tới, hướng đến phát triển thành Đại học Quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, Nghị quyết 54-NQ/TW đã nhấn mạnh việc xây dựng tỉnh thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Với vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của miền Trung, Đại học Huế sẽ đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các nghiên cứu có giá trị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, Đại học Huế cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Việc định hướng phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia là một bước đi chiến lược, không chỉ nâng cao vị thế của Đại học Huế mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập năm 1957. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, ngày 4/4/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 30/CP thành lập Đại học Huế trên cơ sở sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đại học Huế hiện có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài. So với năm 1994, số lượng đội ngũ trình độ cao của Đại học Huế tăng hơn 9 lần. Đại học Huế có 142 ngành đào tạo đại học, 88 ngành đào tạo thạc sĩ và 53 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Đến nay, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 330.000 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 25.000 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Đại học Huế vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên trình độ cao; thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ.