Phát triển công nghiệp văn hóa cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ

Tại Hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nhà chuyên môn đã nhận định: với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa trong thời tới, ngành này sẽ đạt mức đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng ở tương lai và muốn biến kỳ vọng thành sự thực thì các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo cần phải khắc phục được những bất cập của hiện tại. Mà nổi bật nhất chính là câu chuyện cơ chế hỗ trợ.

“Lên ngàn” là dự án văn hóa, nghệ thuật đa ngành để phục vụ cộng đồng do nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và các cộng sự sáng lập từ 2019. Điểm nhấn của dự án là việc đưa yếu tố nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam vào hình thức nghệ thuật đương đại thế giới, qua đó tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn nhưng không sa đà vào lai căng, bắt chước. Tuy nhiên, để có thể đi được 1 chặng đường 5 năm đã qua, bản thân những người sáng lập dự án phải từng bước tự xây dựng từ tài chính, đến nguồn lực, mà gần như không có một chính sách hỗ trợ nào từ các đơn vị quản lý Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về thuế.

Tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Nhà nước luôn có chính sách miễn giảm thuế thu nhập, trong đó, thực hiện miễn giảm thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo văn hóa và các tổ chức văn hóa. Tuy nhiên ở Việt Nam, doanh nghiệp làm văn hóa vẫn phải áp dụng các chính sách về thuế như các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực khác, trong khi, văn hóa lại là lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư lâu dài. Điều này khiến nhiều đơn vị làm công nghiệp văn hóa chưa mạnh dạn bung hết sức mình.

Nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế trong việc thực thi chính sách ưu đãi đối với các ngành văn hóa và sáng tạo, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan đã đang nỗ lực để điều chỉnh và cập nhật. Như: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hiện nay đang thực hiện nghiên cứu để đề xuất những cơ chế ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, hay Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện một nhiệm vụ về xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu này cần phải tăng tốc để cơ chế sớm được thống nhất và ban hành, giúp các đơn vị làm công nghiệp văn hóa sớm có được sự hỗ trợ tốt nhất từ các chính sách của nhà nước, tạo đà phát triển thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Văn Thắng - Hải Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-can-nhung-chinh-sach-ho-tro-manh-me-231188.htm
Zalo