Phát triển công nghiệp điện ảnh - góc nhìn từ Hàn Quốc

Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần thứ III (DANAFF III), Hội thảo 'Điện ảnh Hàn Quốc - bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh' đã gợi mở ra nhiều vấn đề để chúng ta có thể kết nối, học hỏi và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

Những bài học từ Hàn Quốc

Điện ảnh Hàn Quốc có sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Ở Việt Nam, số lượng phim Hàn Quốc được chiếu ngoài rạp, trên truyền hình và các nền tảng VOD luôn đứng đầu các bảng xếp hạng, nhất là trên truyền hình và các nền tảng.

Mức độ phổ biến của phim Hàn Quốc đối với khán giả đại chúng Việt Nam cũng như ảnh hưởng của phong cách làm phim Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình Việt Nam là không thể phủ nhận.

Điện ảnh Hàn Quốc đã hiện diện tại Việt Nam từ lâu và được tiếp cận qua nhiều hình thức như các bài viết điểm phim trên báo, tạp chí, các tiểu luận của sinh viên, nghiên cứu của một số học giả trong và ngoài nước.

DANAFF III mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu cho các đạo diễn trẻ.

DANAFF III mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu cho các đạo diễn trẻ.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng cho rằng, đây là hội thảo thiết thực ở thời điểm này, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng công nghiệp điện ảnh vốn vẫn được đánh giá là mũi nhọn. Trong đó, điện ảnh Hàn Quốc là tấm gương sáng cho điện ảnh Việt Nam và trong khu vực để nghiên cứu, học tập và phấn đấu dài lâu.

“Khi chọn chùm phim trong “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”, chúng tôi có rất nhiều suy nghĩ vì khi xem lại những phim thuộc năm 1960 và phim kinh điển Việt Nam cùng thời thì có sự tương đồng đáng ngạc nhiên. Nhưng, với trào lưu hallyu (một thuật ngữ dùng để chỉ làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa ra toàn cầu) được mở rộng và toàn cầu hóa thì đã tạo nên sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc. Không phải nền điện ảnh nào cũng thành công cả mặt nghệ thuật đỉnh cao và cả thị trường, vững chắc trên trường quốc tế”. TS. Ngô Phương Lan cho rằng, sự phát triển đó không phải vài năm đã có được, mà được tích lũy từ những chính sách, sự phối hợp của các địa phương, đặc biệt là tầm nhìn của các nhà quản lý điện ảnh Hàn Quốc để đưa được điện ảnh nước nhà ra quốc tế. “Điều khiến tôi cảm thấy tâm đắc nhất là việc các bạn có thể kể câu chuyện nhân dân, cuộc sống, dân tộc Hàn Quốc bằng thứ điện ảnh mà những người làm điện ảnh và khán giả khắp nơi trên thế giới cảm thấy yêu thích, kính nể. Tôi cũng mong những nhà làm phim của chúng tôi và các quốc gia ASEAN sẽ đúc rút được những bài học và kinh nghiệm” - Giám đốc Liên hoan phim bày tỏ.

Ông Kim Dongho, người sáng lập Liên hoan phim Busan cho biết, yếu tố dẫn đến sự thành công trong những năm 80 thế kỷ trước gồm sự xuất hiện của một “làn sóng mới” - với những đạo diễn như Park Kwang-su, Jang Sun-woo... Họ là những đạo diễn trẻ, mang trong mình tham vọng tạo ra những bộ phim thực sự.

Trong thập niên 1990, điện ảnh Hàn chứng kiến sự xuất hiện của những đạo diễn tài năng, những người không chỉ tiếp cận điện ảnh như một phương tiện nghệ thuật mà còn như một công cụ để phản ánh những vấn đề xã hội, văn hóa và bản sắc dân tộc. Cũng từ đây, chúng ta thấy được nhiều “nhà cách tân” điện ảnh.

Vào năm 1996, Hàn Quốc tiếp tục xuất hiện những đạo diễn mới như Kim Ki-duk, Hong Sang-soo, Lee Chang-dong... Đó là một giai đoạn liên tục xuất hiện những nhân tài như vậy. Đến những năm 1999, điện ảnh Hàn Quốc tiếp tục có thêm nhiều bộ phim đa dạng hơn nữa. Năm 1996, Liên hoan phim Busan ra đời, theo ông Kim Dongho là nhằm giới thiệu những đạo diễn trẻ, những bộ phim mới ra thị trường thế giới.

“Cần phải cho thế giới biết nhiều hơn về điện ảnh Hàn Quốc”, ông nói. Thời kỳ này, Hàn Quốc cũng đang xây dựng nhiều công ty sản xuất phim, nhưng vấn đề là các đạo diễn mới gần như không thể sử dụng lại những gì đã có trước đó, phải thay đổi toàn bộ hệ thống, nhân lực làm phim. “Những người mới phải xây dựng lại từ đầu - từ nhân lực đến ngôn ngữ làm phim. Rất nhiều người trong số đó là những đạo diễn được đào tạo từ nước ngoài và chúng tôi cùng nhau bắt đầu lại như vậy” - ông Park Kwang Su nói.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng nỗ lực vượt thoát ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ để hướng đến phong cách làm phim mang đặc sắc Hàn Quốc, qua các phim giải trí xuất sắc những năm 2000. Đó còn là sự học hỏi trong việc nâng cao nội lực của nền điện ảnh dân tộc và đưa phim Việt Nam ra thế giới.

Cơ hội của điện ảnh Việt Nam

Từ góc nhìn của một chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) - ông Yang Yun Ho cho rằng: “Trong vài thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã kiên cường vượt qua muôn vàn thử thách với niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ, qua đó thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tác phẩm “Ký sinh trùng” đã phản ánh tính nhân văn trong xã hội phân biệt giai cấp, “Khát vọng đổi đời” (Minari) kể về gốc rễ và gia đình của người nhập cư, hay “Trò chơi con mực” mang đến trí tưởng tượng xã hội độc đáo - tất cả đều là những câu chuyện rất Hàn Quốc nhưng lại chạm đến cảm xúc chung của nhân loại. Phía sau những thành công ấy là mồ hôi và nhiệt huyết của các nhà sáng tạo, là tinh thần dám thử thách và là một hệ sinh thái điện ảnh cởi mở với những tiếng nói đa dạng”.

Ông khẳng định, điện ảnh Việt Nam cũng đang cho thấy những bước phát triển ấn tượng và với cảm xúc, phong cách riêng biệt của Việt Nam cùng thế hệ sáng tạo trẻ đầy tài năng sẽ làm phong phú thêm tương lai của điện ảnh châu Á.

“Ký sinh trùng” - tác phẩm tạo tiếng vang cho điện ảnh Hàn Quốc.

“Ký sinh trùng” - tác phẩm tạo tiếng vang cho điện ảnh Hàn Quốc.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - ông Choi Young Sam cho rằng: “Trong nhiều thập kỷ qua, điện ảnh Hàn Quốc đã khẳng định vị thế tiên phong trong làn sóng văn hóa Hàn (K-culture), được công nhận không chỉ ở tính nghệ thuật mà còn ở sức hút đại chúng, trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển này không chỉ đơn thuần là kết quả của công nghiệp hóa, mà còn là thành quả của sự sáng tạo, đam mê từ các nhà làm phim và trên hết là những nỗ lực hợp tác, giao lưu thông qua các liên hoan phim quốc tế”.

Tiến sĩ Park Hee Seong - nhà nghiên cứu Phòng Chính sách, Nghiên cứu và Phát triển, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) nhấn mạnh sự thành công của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có vai trò quan trọng của chính phủ.

Ông chia sẻ, Chính phủ Hàn Quốc luôn có những chính sách hỗ trợ các nhà làm phim trong nước. Ngoài việc là cơ quan trực tiếp hỗ trợ cho quá trình làm phim, KOFIC còn đưa vai trò của những người trực tiếp làm phim trở thành yếu tố then chốt, KOFIC chỉ hỗ trợ, chứ không can thiệp vào nội dung hay quá trình sáng tạo. Họ có những chính sách cụ thể như đầu tư trực tiếp vào con người - phân bổ ngân sách cho các nhà làm phim.

Ngoài ra, KOFIC còn tổ chức các học viện chuyên về đào tạo làm phim, gửi những người giỏi ra nước ngoài học nhằm nâng cao năng lực cho những người trong ngành, tạo ra hệ sinh thái đa dạng của ngành điện ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước không thể thiếu những tài năng điện ảnh. Điều này cũng nằm trong chương trình chiến lược của quốc gia khi Hàn Quốc chủ trương đào tạo và gửi những người giỏi sang Mỹ du học và quay trở về xây dựng đất nước. Họ biết kết hợp giữa văn hóa truyền thống với công nghiệp điện ảnh hiện đại, chính điều này giúp điện ảnh Hàn thành công trên toàn cầu”.

Nhìn lại hành trình phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, chúng ta có thể rút ra những bài học cho Việt Nam. Rõ ràng, đó không chỉ là nỗ lực riêng của ngành điện ảnh mà còn là sự hỗ trợ của chính phủ, sự nỗ lực vươn lên của các nhà làm phim và khát vọng xóa bỏ những rào cản để vươn ra thế giới của một đất nước bé nhỏ. Với bối cảnh Việt Nam hiện tại, chúng ta đang có những tiềm năng, cơ hội để đẩy mạnh và phát triển công nghiệp điện ảnh.

DANAFF III với nỗ lực kết nối của ban tổ chức đã mở rộng cánh cửa giao lưu quốc tế, mang đến nhiều góc nhìn cho các nhà làm phim, đặc biệt là những đạo diễn trẻ. Việt Nam đang được đánh giá là một nền điện ảnh độc đáo, có nhiều tiếng nói mới ở châu Á, chúng ta có nhiều nguồn lực nội tại, từ văn hóa đến con người, hy vọng, bài học Hàn Quốc sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội để phát triển nền điện ảnh trong thời gian tới.

Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-goc-nhin-tu-han-quoc-i774358/
Zalo