Phát triển công nghệ cho chuyển đổi số cần nền tảng pháp lý nhất quán, dài hạn
Việt Nam đang hướng tới việc thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ, chuyển đổi số phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay.
Theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công nghệ số được xác định như chìa khóa để phá bẫy thu nhập trung bình, và chính sách, pháp luật cho lĩnh vực này phải bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Khi chính sách ra đời rồi thì phải rà soát, nhận diện đầy đủ các vướng mắc, từ đó sửa đổi và phải làm nhanh quy trình
Cách tiếp cận này được thể hiện trong hàng loạt dự thảo Luật và Nghị định liên quan như dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Khoa học - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu.
Cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và quản trị rủi ro
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số - Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” mới đây, Thạc sĩ Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, tốc độ sửa và hoàn thiện pháp luật chưa bao giờ khẩn trương như trong thời điểm hiện nay.
Nếu trước đây vài tháng mới có một phiên họp chỉnh sửa pháp luật thì hiện nay một tuần có thể có 2 phiên họp. Tất cả nhằm hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất để kịp thời trình Quốc hội tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số, khoa học công nghệ và hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, quy trình trước đây là sửa từng luật một thì hiện nay sẽ sửa đồng thời nhiều luật.

Bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
“Phải sửa đồng thời như thế, chính sách mới đi cùng với nhau, không bị rời rạc và những đối tượng liên quan mới có thể thực hiện được. Với cách làm mới này giúp chính sách ra nhanh, đi vào cuộc sống nhanh hơn, giảm thiểu thời gian độ trễ chính sách. Theo đó, từ năm 2026 nhiều chính sách sẽ được ra nhanh hơn, sát cuộc sống hơn”, bà Phạm Thúy Hạnh cho hay.
Đại diện Vụ Pháp luật cũng cho biết, một trong những khó khăn trong việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực này là do vấn đề mới quá. Do đó làm chính sách cũng phải làm rõ nội hàm của chính sách, lượng hóa các khái niệm như mức độ tự chủ về công nghệ, năng lực cạnh tranh số, doanh nghiệp số ngang tầm với các nước tiên tiến…
Khi chính sách ra đời rồi thì phải rà soát, nhận diện đầy đủ các vướng mắc, từ đó sửa đổi và phải làm nhanh quy trình đó. Đồng thời chấp nhận những thí điểm có kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý để giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng sử dụng.
Việt Nam đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia “hàng xóm” như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… về các chính sách. Họ có rất nhiều chính sách thu hút về công nghệ cạnh tranh, nhanh nhạy và linh hoạt.
“Chính sách của chúng ta còn phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi tất cả những vấn đề liên quan đến công nghệ số đều đang thay đổi rất nhanh. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi dựa trên chi phí, quốc tịch, thu nhập, xuất nhập cảnh… Chính sách phải nhanh và quyết liệt để tránh việc “đại bàng” bay đi mất”, đại diện Vụ Pháp luật nhấn mạnh.
Phát triển công nghệ số cần nền tảng pháp lý nhất quán, dài hạn
Giới chuyên gia nhận định, công nghệ số không thể phát triển bền vững nếu thiếu một nền tảng chính sách hợp lý, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn.

(Ảnh minh họa)
Chia sẻ góc nhìn học thuật về cách công nghệ đang tái định hình mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và công dân, PGS. TS Đỗ Minh Khôi, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, chủ nghĩa hiến pháp hiện đại không chỉ là nền tảng của thiết kế thể chế dân chủ mà còn là hệ tư tưởng nhằm giới hạn quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh phụ thuộc và kiểm soát số, các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp đang đối mặt với thách thức chưa từng có, đặc biệt là từ quyền lực tư nhân đến từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Theo PGS.TS Đỗ Minh Khôi, công nghệ sẽ chỉ có thể phát triển trong khối tư nhân, nhà nước chỉ có thể khuyến khích và tạo điều kiện. Khi tư nhân cầm trong tay nền tảng công nghệ, họ có thể “can thiệp” vào đến cuộc sống của từng cá nhân. Minh chứng là Google, Facebook… nắm trong tay rất nhiều dữ liệu của cá nhân trong suốt thời gian vừa qua.
“Cần tái định hình quá trình “hiến pháp hóa” để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Điều này bao gồm việc xem xét lại cơ chế phân quyền giữa công và tư, thiết lập các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm giải trình trong môi trường số và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trên không gian mạng”, PGS.TS Đỗ Minh Khôi nêu ý kiến.
Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần có sự đồng bộ, nhất quán, dài hạn và chiều sâu trong xây dựng chính sách pháp luật, nhất là khi đang ở trong giai đoạn rất nhiều dự án luật sẽ được sửa để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số.