Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do trường Đại học Tel Aviv đứng đầu đã phát triển công nghệ mới, có thể phát hiện sớm bệnh Parkinson 20 năm trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh gặp phải khi bệnh nhân mất dần các tế bào thần kinh sản xuất dopamine trong não. Khi chẩn đoán bệnh, các bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng có thể quan sát được như run tay hoặc chân và các vấn đề về dáng đi. Tuy nhiên, những dấu hiệu này chỉ xuất hiện sau khi bệnh nhân đã mất đi một số lượng tế bào thần kinh đáng kể.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein - một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da của con người.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình tập hợp protein bắt đầu khoảng 15 năm trước khi các triệu chứng xuất hiện và quá trình tế bào chết đi xảy ra từ 5 - 10 năm trước khi các phương pháp chẩn đoán hiện tại có thể phát hiện ra. Do đó, công nghệ mới của họ mở ra một cửa sổ 20 năm - dài đáng kể để chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm bệnh Parkinson.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ mới trên các mẫu sinh thiết da của 7 bệnh nhân Parkinson và 7 người không mắc bệnh này, tổng hợp từ 3 trung tâm y tế hàng đầu của Israel. Họ đã lập bản đồ và xác định thành công nhiều tập hợp protein hơn ở những người mắc bệnh Parkinson.
Công nghệ mới, được trình bày chi tiết trên chuyên san Frontiers in Molecular Neuroscience, có thể xác định sớm các dấu hiệu tế bào của bệnh Parkinson, mở ra tiềm năng điều trị sớm hơn hoặc thậm chí là phòng ngừa căn bệnh này. Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ mới cũng có thể giúp phát hiện sớm các bệnh thoái hóa thần kinh khác, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.
Sau thành công đột phá này, nhóm nghiên cứu dự định phát triển một thuật toán học máy để tìm mối liên quan giữa kết quả kiểm tra vận động và nhận thức với các phát hiện vi mô, nhằm dự đoán diễn tiến bệnh trong tương lai.