Phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư

Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH), đặc biệt trong thu hút đầu tư, tỉnh tập trung quy hoạch, ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, chỉ số tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với phương châm công tác quy hoạch phải “đi trước một bước”, đến nay, tỉnh cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch phân khu nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc.

Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Chu Kiều

Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Chu Kiều

Năm 2024, tỉnh đã lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung đô thị các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc và một số quy hoạch phân khu; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu công nghiệp (KCN) Sơn Lôi; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Bình Xuyên; tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng các KCN Sông Lô I, Phúc Yên và Đồng Sóc…

Đến nay, toàn tỉnh có 17 KCN được thành lập, hiện đã có 9 KCN đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao.

Hệ thống giao thông được tỉnh quan tâm đầu tư, đặc biệt đối với các tuyến giao thông trọng điểm, tạo liên kết vùng, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường Vành đai 2 đoạn từ QL2B - QL2C và đoạn từ QL2 - KCN Khai Quang; đường Vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc; cải tạo, nâng cấp nhiều đoạn trên các tuyến tỉnh lộ 302, 307, 309, 310…

Tính riêng năm 2024, tỉnh đã bố trí gần 1.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, trong đó có 7 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội và 9 dự án hạ tầng giao thông.

Thực hiện đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với tổng quy mô hơn 2.000 căn hộ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên tổng diện tích 65,2 ha với quy mô khoảng 9.500 căn hộ.

Ngoài ra, có 17 dự án nhà ở xã hội trong các khu đô thị đã hình thành với tổng diện tích 65 ha, quy mô khoảng 9.900 căn hộ. Trong đó đã có 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với tổng quy mô hơn 2.000 căn hộ.

Bên cạnh đó, hạ tầng điện, viễn thông được tỉnh quan tâm đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với ngành điện tháo gỡ khó khăn, đưa vào vận hành các dự án: Trạm biến áp 110kV các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô; các đường dây 110kV Việt Trì - Lập Thạch, 110kV Lập Thạch - Tam Dương; đầu tư mới và cải tạo 107,4km đường dây trung thế, 66,4 km đường dây hạ thế; xây mới 80 trạm biến áp… đảm bảo chất lượng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, duy trì 100% số hộ dân, doanh nghiệp được sử dụng điện lưới quốc gia ổn định, an toàn.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông được đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh được vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó, tỉnh có gần 1.100 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1 phần, chiếm 65% thủ tục hành chính của tỉnh; phần mềm quản lý văn bản điện tử được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, năm 2024, thu hút đầu tư vốn FDI của tỉnh đạt 637 triệu USD, tăng 59% so với kế hoạch; thu hút vốn đầu tư DDI đạt 6.080 tỷ đồng, tăng 10,5% so với kế hoạch; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023.

Là điểm sáng về thu hút đầu tư, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 26.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước.

Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh định hướng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thành mạng lưới tập trung, đa cực và đa chuỗi, trong đó, lấy 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa đến các vùng lân cận.

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, ưu tiên các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH, các công trình giao thông có tính liên kết vùng; xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo hướng hiện đại…

Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hạ tầng đô thị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu… góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122325//phat-trien-co-so-ha-tang-tao-dong-luc-thu-hut-dau-tu
Zalo