Phát triển chế biến gỗ theo chiều sâu
Chế biến gỗ là một trong những ngành chiếm vị trí quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, tính an toàn, thân thiện với môi trường, nguồn gốc sản phẩm... của thị trường thế giới buộc hoạt động sản xuất, chế biến gỗ phải thích ứng.
Toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, trên 700 cơ sở chế biến gỗ và khoảng 2.000 hộ chế biến gỗ quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm gỗ đa dạng từ nguyên liệu thô đến sản phẩm tinh như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, viên gỗ nén, củi ép, ván MDF, ván HDF, đồ mộc gia dụng... Sản phẩm gỗ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Số lượng các cơ sở chế biến gỗ tương đối lớn nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng rừng chưa chặt chẽ; sản phẩm sơ chế, chế biến thô chiếm tỷ lệ lớn nên giá trị thấp. Hiện nay, yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là tại các thị trường quốc tế về sản phẩm gỗ ngày càng cao. Những quy định nghiêm ngặt về môi trường, phát triển bền vững đang được đặt ra từ các đối tác, nhà mua hàng lớn, các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Các doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn này, từ sử dụng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến việc áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Trước thay đổi của thị trường, các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ, hình thành liên kết sản xuất, có kế hoạch đầu tư, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên nắm bắt các vấn đề vướng mắc, liên quan cho doanh nghiệp sản xuất các nhóm ngành hàng chủ lực, trong đó có ngành gỗ để gia tăng giá trị sản xuất. Đẩy mạnh công tác khuyến công; chú trọng thu hút doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư chế biến sâu, phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu. Khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn chuyển đổi, nâng cấp lên loại hình doanh nghiệp để thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động, thị trường tiêu thụ.
Với diện tích đất rừng sản xuất trên 12.000ha, huyện Đoan Hùng có nhiều tiềm năng phát triển nghề chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu. Toàn huyện có gần 50 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Đồng chí Vũ Trọng Khải - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: “Chế biến gỗ là ngành thế mạnh của huyện, huyện khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng chế biến sâu và bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Triển khai kịp thời các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, tích cực tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở về đảm bảo quy định pháp luật và an toàn lao động trong lĩnh vực chế biến lâm sản, góp phần phát triển bền vững”.
Theo Kế hoạch số 3915/KH-UBND, ngày 19/9/2024 của UBND tỉnh về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 đặt ra nhiệm vụ, giải pháp với ngành chế biến gỗ là tổ chức trồng rừng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn và quản lý rừng bền vững gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Bố trí hợp lý các nhà máy theo vùng, trong đó ưu tiên xây dựng các nhà máy ở khu vực miền núi, phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho ngành; đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến, sản xuất sản phẩm gỗ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giúp các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ, môi trường tham gia hội nhập thị trường trong nước và quốc tế.