Phát triển chăn nuôi gia súc ở các xã vùng thấp của Thuận Châu
Huyện Thuận Châu đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc gắn với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Các xã, tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; cách chăm sóc, phòng chống rét cho gia súc. Vận động nhân dân tận dụng các bãi đất trống, bờ ao, ruộng để trồng các loại cỏ voi, VA06, mulato, ghine; tận dụng rơm khô, ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi...
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Khai thác hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án giảm nghèo, nông thôn mới để xây dựng các mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng tại các xã vùng thấp làm điểm nhân rộng. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người dân vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi.
Theo thống kê, hiện nay, 22 xã vùng thấp của huyện nuôi 126.000 con gia súc. Trong đó, gần 50.000 con trâu, bò; hơn 49.000 con lợn và 27.000 con gia súc khác. Huyện có 23.575 hộ chăn nuôi, có trên 18.000 hộ dân đã xây dựng chuồng trại kiên cố và bán kiên cố. Trong năm 2024, huyện đã hỗ trợ 608 con bê giống thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các hộ nghèo người dân tộc La Ha của các xã Chiềng Pha, Chiềng La, Liệp Tè, Nong Lay. Tổ chức tiêm hơn 40.000 liều vắc xin phòng bệnh cho gia súc. Nhiều hộ chăn nuôi tại các xã Mường Khiêng, Bó Mười, Tông Cọ, Tông Lạnh, Thôm Mòn... chú trọng bổ sung thức ăn đảm bảo dinh dưỡng như bột ngô, sắn, cám gạo, ủ chua thức ăn xanh... giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Mường Khiêng là một trong những xã có tổng số đàn gia súc lớn nhất huyện, với 5.183 con trâu bò, 1.798 con lợn và 5.560 gia súc khác. Ông Cà Văn Quyển, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã tuyên truyền đến nhân dân lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà; phát huy tinh thần của cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Sau một thời gian triển khai, nhận thấy việc nuôi trâu, bò nhốt chuồng đảm bảo đàn vật nuôi không bị chết đói, rét, phát triển khỏe mạnh, nên nhiều hộ dân đã làm theo. Đến nay, xã có 1.720 hộ chăn nuôi, trong đó 77% số hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố và bán kiên cố; trồng hơn 100 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Nhiều hộ có thu nhập khá từ chăn nuôi gia súc.
Gia đình bà Quàng Thị Saư, bản Cường Trai, xã Bon Phặng, có gần 20 con bò và dê. Gia đình bà đã xây dựng chuồng nuôi dê và bò riêng biệt, đảm bảo kiên cố, kín gió. Bà Saư cho biết: Vừa qua, gia đình tôi xuất bán 4 con dê, thu 12 triệu đồng. Cuối năm, gia đình bán xuất bán thêm 2 con bò và 8 con dê, dự kiến thu hơn 60 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ cà phê, chăn nuôi giúp cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định.
Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt chuồng tại các xã vùng thấp huyện Thuận Châu đang là hướng đi có hiệu quả, giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.